‘Tro tàn rực rỡ’ đại thắng tại LHPVN lần thứ XXIII

Tới dự Lễ Bế mạc LHP Việt Nam lần thứ XXIII tại Đà Lạt Opera House – thành phố Đà Lạt, có sự hiện diện của ông Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; Ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó là sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh/thành phố, tỉnh Lâm Đồng.

'Tro tàn rực rỡ' đại thắng tại LHPVN lần thứ XXIII
Ông Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng
Ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương
Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tro tàn rực rỡ xứng đáng chiến thắng!

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra tại thành phố Đà Lạt, được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những kỳ Liên hoan phim tương đối đồng đều về chất lượng phim tham dự, nhất là ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, gồm cả phim thương mại và phim độc lập. Ban giám khảo đều là những cái tên có chuyên môn cao trong nghề, như NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn; NSND, nhà quay phim Trần Quốc Dũng, hay đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn…

Việc Tro tàn rực rỡ giành được giải Bông sen vàng, dường như đã nằm trong dự đoán của nhiều người. Tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa chiến thắng tại Cánh diều vàng, kéo lại niềm tin của khán giả vào dòng phim nghệ thuật nước nhà. Tro tàn rực rỡ dựa theo hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nội dung xoay quanh chuyện tình yêu, vợ chồng của ba người phụ nữ: Hậu (Bảo Ngọc Doling) không được chồng ngó ngàng, Nhàn (Phương Anh Đào) cam chịu người chồng đốt nhà hết lần này đến lần khác và Loan “khùng” (NSƯT Hạnh Thúy) phải lòng kẻ thù của mình.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đem về Bông sen vàng với Tro tàn rực rỡ

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất hai năm viết kịch bản và 5 năm chuẩn bị cho phim, với nhiều chuyến thực địa miền Tây để tìm chất liệu dàn dựng và bối cảnh, qua đó truyền tải được nỗi thấu cảm đầy day dứt về thân phận người phụ nữ khổ cực, luôn cam chịu. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhận xét rằng: “Đó là một phim nghệ thuật hiếm hoi và hay của điện ảnh Việt, phim không quá nhiều sự kiện, bạn có thể bình tĩnh ngồi xem cuộc sống của các nhân vật trôi đi, rồi dần dần đạo diễn dẫn dắt bạn thấu hiểu được nỗi buồn sâu thẳm của các nhân vật, những người đàn bà bình thường của miền Tây sông nước đã nhẫn nại, rộng lượng chịu đựng vì tình yêu vô bờ của họ với người chồng của mình”. Cũng chính vì lẽ đó, không khó để nhận ra Bùi Thạc Chuyên xứng đáng ra sao với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất.

Tro tàn rực rỡ có màu sắc khá nặng nề nhưng giàu sức thấu cảm

Đào, phở và piano – bộ phim của đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn, khắc họa một Hà Nội oanh liệt cách đây gần 80 năm, dù phim còn có điểm trừ, nhưng cho thấy nỗ lực đổi mới của dòng phim nhà nước, nhất là bối cảnh Hà Nội xưa cũ được đầu tư công phu và thực hiện bởi Họa sĩ thiết kế Vũ Việt Hưng (Hãng phim truyện 1) cùng các đồng nghiệp. Đào, phở và piano giành được Bông sen Bạc cùng với Mẹ ơi, bướm đây của đạo diễn Lưu Huỳnh và Em và Trịnh, nhưng khá tiếc khi phim để mất giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc vào Người vợ cuối cùng. Nhưng khó thể phủ nhận Victor Vũ luôn là nhà làm phim có tính duy mỹ về bối cảnh, được nhiều người trong nghề lẫn khán giả công nhận.

Các tác giả nhận được giải Bông sen bạc

Con Nhót mót chồng giành được giải thưởng Ban giám khảo. Nhưng chắc chắn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng phải cảm ơn Thái Hòa với lối diễn nhiều xúc cảm, lấy đi nước mắt khán giả khi vào vai một người cha cố gắng từ bỏ nghiện rượu, để giúp cho cô con gái U40 của mình tìm thấy hạnh phúc. Thế nên, việc Thái Hòa ẵm luôn giải Nam chính xuất sắc nhất là điểu dễ hiểu vì khó cái tên nào cùng hạng mục cạnh tranh được với anh.

Thái Hòa trong Con Nhót mót chồng
Thu Trang đại diện ê-kíp lên nhận giải

Nhưng bất ngờ nhất, phải kể tới việc Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho hai gương mặt Đinh Y Nhung và Mai Cát Vi của Mẹ ơi, bướm đây. Lưu Huỳnh – đạo diễn của bộ phim gây tiếng vang một thời Áo lụa Hà Đông làm bộ phim về người mẹ bị bại não cùng cô con gái 10 tuổi đấu tranh để được ở bên nhau. Ban giám khảo cho rằng chính diễn xuất dồi dào xúc cảm trong một câu chuyện đậm màu sắc nhân văn, đã khiến họ khó thể không trao giải cho cả “hai mẹ con” Đinh Y Nhung và Mai Cát Vy.

Phim Mẹ ơi, Bướm đây
Đinh Y Nhung và Mai Cát Vi cùng trở thành nữ chính xuất sắc nhất

Thêm một phát hiện đáng lưu tâm nữa chính là diễn viên Lê Công Hoàng của Tro tàn rực rỡ. Trong phim, Lê Công Hoàng được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giao cho vai người chồng lạnh nhạt với cô vợ tần tảo, chỉ ngày đêm nhớ nhung về người yêu cũ. Cả bộ phim, Lê Công Hoàng chỉ có vài ba câu thoại, nhưng thứ đắt giá nhất chính là ánh mắt biết nói, thể hiện cho một tâm trạng chán chường và đau khổ. Anh cũng chia sẻ rằng, vai diễn chạm đến những thách thức cao nhất trong sự nghiệp của mình, khi nhân vật của anh có những trường đoạn khỏa thân, uống rượu, leo chèo trên những sợi dây nguy hiểm ở đáy hàng khơi.

Lê Công Hoàng lên nhận giải cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thay cho Bùi Lan Hương

Hạng mục nữ diễn viên phụ, không có quá nhiều bàn cãi khi Bùi Lan Hương diễn tương đối tròn vai hình tượng nhân vật Khánh Ly trong Em và Trịnh, nếu tạm bỏ qua những tranh cãi ngày trước về làm phim hư cấu dựa trên nhân vật có thật.

Năm vừa qua, nếu Tro tàn rực rỡ trở thành hiện tượng ở mảng phim điện ảnh, thì Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm khiến đông đảo khán giả quan tâm nhiều hơn với phim tài liệu. Không chỉ lọt vào top 15 phim Oscar, Những đứa trẻ trong sương còn giành được giải Phim châu Á hay nhất tại LHP châu Á Đà Nẵng 2023. Sức lan tỏa của câu chuyện về cô bé H’Mong – Má Thị Di 12 tuổi (nhân vật ngoài đời hiện giờ đã trưởng thành) có lẽ vẫn sẽ chưa dừng lại ở đó, khi ngày hôm nay, phim mang về thêm giải Bông sen Vàng dành cho Phim tài liệu hay nhất.

Hà Lệ Diễm lên nhận giải cùng gia đình Má Thị Di

Một số hình ảnh khác:

Tổng hợp Giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII:

1. Giải Bông sen

Bông sen Bạc Phim Hoạt hình: Nụ cười và Bà của Đỗ Đỏ

Bông sen Bạc Phim Khoa học: Rác chìm

Bông sen Bạc Phim Tài liệu: Hai bàn tay, trời Hà Nội mãi xanh

Bông sen Bạc Phim Truyện: Mẹ ơi, Bướm đây!; Em và Trịnh; Đào phở và Piano

Bông sen Vàng Phim Hoạt hình: Giấc mơ của con

Bông sen Vàng phim Khoa học: Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy

Bông sen Vàng Phim Tài liệu: Những đứa trẻ trong sương

Bông sen Vàng Phim Truyện: Tro tàn rực rỡ

2. Nam nữ diễn viên xuất sắc:

Nam diễn viên phụ: Lê Công Hoàng – Tro tàn rực rỡ

Nữ diễn viên phụ: Bùi Lan Hương – Em và Trịnh

Nam diễn viên chính: Thái Hòa – Con nhót mót chồng

Nữ diễn viên chính; Mai Cát Vi, Đinh Y Nhung – Mẹ ơi, Bướm đây!

3. Kịch bản và Đạo diễn xuất sắc

– Tác giả kịch bản Phim Hoạt hình: Nguyễn Quang Thiều – Cây ổi thiên đường

– Tác giả kịch bản Phim Khoa học: Trịnh Quang Bách – Hố đen

– Tác giả kịch bản Phim Tài liệu: Đặng Thị Linh – Hai bàn tay

– Tác giả kịch bản Phim Truyện: Lưu huỳnh – Mẹ ơi, Bướm đây!

– Đạo diễn xuất sắc Phim Hoạt hình: Nguyễn Hoàng Trung – Nụ cười

– Đạo diễn xuất sắc Phim Khoa học: Nguyễn Thu – Đất ô nhiễm

– Đạo diễn xuất sắc Phim Tài liệu: Hà Lệ Diễm – Những đứa trẻ trong sương

– Đạo diễn xuất sắc Phim Truyện: Bùi Thạc Chuyên – Tro tàn rực rỡ

4. Kỹ xảo điện ảnh và Đạo diễn có phim đầu tay xuất sắc

– Đạo diễn phim đầu tay xuất sắc: Andy Nguyễn – Fanti

– Kỹ xảo: Cô gái từ quá khứ

5. Họa sỹ thiết kế và Quay phim xuất sắc

– Họa sỹ tạo hình Phim hoạt hình: Bùi Mạnh Quang – Kỳ tích đầm Dạ Trạch

– Họa sỹ diễn xuất Phim hoạt hình: Nhóm họa sỹ – Đại Hành Hoàng đế

– Họa sỹ mỹ thuật thiết kế Phim Truyện điện ảnh: Ghia Fam – Người vợ cuối cùng

– Quay phim khoa học: Vũ Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Bảo Khánh – Sinh tồn

– Tài liệu: Nguyễn Thiên Định – Biển đói

– Quay phim Phim Truyện điện ản: Nguyễn K’Linh – Tro tàn rực rỡ và Nguyễn Phan Linh Đan – Cô gái từ quá khứ.

6. Âm thanh xuất sắc và âm nhạc xuất sắc:

– Thiết kế âm thanh cho Phim Hoạt hình: Nguyễn Duy Long – Đại Hành Hoàng đế

– Thiết kế âm thanh cho Phim Khoa học: Dương Ngọc Hòa – Đàn đá báu vật cổ xưa

– Thiết kế âm thanh cho Phim Tài liệu: Chu Đức Thắng, Đào Thị Hằng – Thép trong lòng biển sâu

– Thiết kế âm thanh cho Phim Truỵện: Vick Võ Hoàng – Em và Trịnh

– Âm nhạc xuất sắc cho Phim hoạt hình: Lương Ngọc Châu – Sương mù

– Âm nhạc xuất sắc cho Phim Điện ảnh: Tôn Thất An – Tro tàn rực rỡ

7. Giải thưởng ban giám khảo

Phim Hoạt hình: Cây ổi thiên đường Nữ tướng Mê Linh

Phim Khoa học: Đất ô nhiễm Giải mã dấu vết vụ cháy

Phim Tài liệu: Đường đến hòa bìnhNgười ơi đừng khóc cuối đường

Phim Truyên: Con Nhót mót chồng

8. Giải khán giả bình chọn: Siêu lừa gặp siêu lầy

9. Giải “Cao nguyên hùng vĩ” cho phim có bối cảnh quay tại tỉnh Lâm Đồng: Em và Trịnh

Exit mobile version