Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top giàu nhất thế giới: Thứ hạng thay đổi liên tục

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 50 người giàu nhất thế giới chỉ một ngày sau khi cổ phiếu VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, vị trí của ông Vượng thay đổi rất nhanh theo biến động cổ phiếu VFS.

Trong khi tài sản các tỷ phú khác khá ổn định, gần như không đổi, thì tài sản và vị trí của vị tỷ phú người Việt liên tục biến động mạnh.



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tính tới 17h45 chiều 17/8 (giờ Việt Nam), theo Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – người lọt top 50 người giàu nhất thế giới – giảm khá mạnh, giảm thêm 300 triệu USD so với buổi sáng và giảm 7,3 tỷ USD so với phiên liền trước (đêm qua giờ Việt Nam) xuống còn 37,2 tỷ USD.

Với lượng tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes.

Sáng nay 17/8, ông Vượng còn đứng thứ 33 (khi đó tài sản là 37,5 tỷ USD).

Với vị trí hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn xếp trên vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, bà MacKenzie Scott (xếp thứ 36), người đã từng vượt qua thủ tướng Đức Angela Merkel để có lần đầu tiên đứng đầu trên bảng xếp hạng những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, do Forbes bình chọn.

Nhưng ông Vượng đã tụt xuống 3 bậc so với tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành), doanh nhân nổi tiếng người Hong Kong (người có khối tài sản tính đến ngày 17/8 ở mức 37,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, ông Vượng vẫn là người giàu nhất tại khu vực Đông Nam Á. Theo Forbes, Đông Nam Á có 11 người sở hữu khối tài sản từ 10 tỷ USD trở lên. Người giàu nhất Thái Lan và Singapore đều sở hữu 14 tỷ USD còn người giàu nhất Malaysia có 11 tỷ USD.

Ở khu vực châu Á, ông Vượng đứng thứ 5, sau 2 tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani (92 tỷ USD), Gautam Adani (53 tỷ USD) và 2 người giàu nhất Trung Quốc là Chung Thiểm Thiểm (62 tỷ USD), chủ tập đoàn đồ uống Nongfu Srping và Trương Nhất Minh – người sáng lập Tiktok (45 tỷ USD).

Như vậy, cho tới thời điểm này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu hơn người giàu nhất Hàn Quốc là chủ tịch Samsung Jay Y. Lee (8,4 tỷ USD) và hơn người giàu nhất Nhật Bản là ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai (34,8 tỷ USD).

Tỷ phú Vượng cũng giàu hơn Mã Hóa Đằng – Tencent (35 tỷ) và giàu hơn Jack Ma (Mã Vân) – Alibaba (24,4 tỷ USD).

Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tụt giảm xuống òn 37,2 tỷ USD nhưng vẫn là người giàu nhất Đông Nam Á.

Từng được xếp thứ 16 trên thế giới

Tối 16/8 (giờ Việt Nam), Forbes bất ngờ ghi nhận tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở mức 84 tỷ USD, cao hơn hẳn so với mức 5,9 tỷ USD trước đó nửa ngày. Tài sản của ông Vượng sau đó giảm xuống mức 74 tỷ USD theo đà giảm của cổ phiếu VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Với mức tài sản này, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes và giàu thứ 2 châu Á. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức vượt qua tỷ phú Jim Walton, người thừa kế tập đoàn Walmart.

Forbes đưa ra xếp hạng đầy bất ngờ này ngay sau khi cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức trên ngưỡng 37 USD trong phiên đầu tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 15/8. Vốn hóa của VinFast đạt 85 tỷ USD, vượt Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng, trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Tesla và BYD.

Tuy nhiên, tới sáng 17/8 (giờ Việt Nam), Forbes đã có những thay đổi về con số tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

Theo đó, thay vì con số 84 tỷ USD và xếp thứ hạng 16 trên thế giới, Forbes đã điều chỉnh xuống còn hơn 44 tỷ USD.

Con số này khá tương đồng với đánh giá của Bloomberg trước đó. Hôm 16/8, Bloomberg cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng có thêm 39 tỷ USD lên 44,3 tỷ USD và lọt top 30 người giàu nhất thế giới.

Mức hơn 44 tỷ USD tài sản của ông Vượng được xem là đánh giá khá đồng nhất giữa 2 tổ chức này. 

Tài sản của ông Vượng đang biến động theo chiều hướng giảm sau khi cổ phiếu VinFast giảm 25% trong phiên thứ 2 trên sàn Nasdaq và đang có xu hướng giảm tiếp trước phiên giao dịch thứ 3 trên sàn này.

Cổ phiếu VinFast tăng sốc và rồi giảm sâu trong vài chục tiếng qua và có thể còn kéo dài trong thời gian tới, trong bối cảnh số lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) khá thấp, ở mức 4,5 triệu đơn vị, so với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu niêm yết.

Số cổ phiếu có sẵn để giao dịch so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành quá chênh lệch, trong khi sức cầu lớn. Đây là yếu tố đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng giá mạnh ngay trong phiên đầu cũng khiến nhu cầu chốt lời lên cao.

Trong thời gian tới, một lượng cổ phiếu mới có thể được giải phóng, trong đó có vài triệu cổ phiếu được chuyển từ chứng quyền của đối tác, thì lượng cung VFS trên thị trường sẽ lớn hơn. Biến động giá sẽ chính xác hơn.

Do vậy, tài sản của ông Vượng và vị trí xếp hạng trên thế giới còn biến động.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});