UBND TP HCM chỉ đạo khẩn, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

UBND thành phố cho biết, vừa qua, một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải trên các tuyến kênh rạch, gầm cầu, nơi công cộng.

Do đó, UBND thành phố yêu cầu UBND TP Thủ Đức, quận, huyện khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý ngay tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh rạch, gầm cầu, nơi công cộng… trên địa bàn quản lý. Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị định 45/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

UBND TP HCM chỉ đạo khẩn, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé, nối liền giữa quận 1 và quận 4, đầy rác thải; Ảnh: Anh Vũ

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả để giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung xử lý tại các vị trí nêu trên báo.

Công văn cũng nêu rõ: “Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu việc triển khai các giải pháp chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, không cải thiện được trên địa bàn.

UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao quản lý các công trình, sông, kênh rạch chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không thực hiện nghiêm chỉ đạo UBND thành phố và để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực do đơn vị quản lý”.

Kèm theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố là bài báo phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ‘”Choáng với hình ảnh bên dưới cầu Mống – quận 4, TP HCM” của Báo Người Lao Động; “Gầm cầu thành nơi chứa vật liệu xây dựng, rác thải” của Báo Vnxepress.

Như Báo Người Lao Động đưa tin, người dân liên tục phản ánh lên báo khu vực cầu Mống – quận 4, TP HCM, thời gian qua bị những gánh hàng rong “biến” thành lãnh địa riêng để buôn bán, sau đó đổ nước thải, rác nhựa xuống lòng kênh.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy rác, lục bình lẫn lộn kèo dài cả trăm mét dưới lòng kênh Bến Nghé, bốc mùi hôi thối. Đa số là rác thải nhựa khó phân hủy như túi ni-lông, chai nhựa,… và rác cồng kềnh.



Nguồn bài viết