Vietnam Airlines rao bán 3 máy bay, giá khởi điểm 5 triệu USD/chiếc

Với giá khởi điểm 5 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay, dự kiến hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ thu về ít nhất 15 triệu USD từ việc bán bán đấu giá 3 chiếc A321CEO.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán 3 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007.

Vietnam Airlines rao bán 3 máy bay, giá khởi điểm 5 triệu USD/chiếc
Vietnam Airlines sẽ bán đấu giá 3 máy bay A321CEO. (Ảnh minh họa)

Theo đó, 3 tàu bay của Vietnam Airlines được đấu giá lần này đều mang quốc tịch Việt Nam, có số hiệu lần lượt là A350, A351, A352; đang được đặt tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Mức giá khởi điểm cho từng tàu bay mà Vietnam Airlines đưa ra là 5 triệu USD, tương đương 118,7 tỷ đồng. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá là quý III năm nay.

Vietnam Airlines rao bán 3 máy bay, giá khởi điểm 5 triệu USD/chiếc - 1
3 máy bay được Vietnam Airlines đấu giá.

Trước đó, từ năm 2020, Vietnam Airlines cũng từng rao bán hàng loạt tàu bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004 – 2008. Động thái này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu đội tàu bay hơn chục năm tuổi của hãng, cũng như để gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền của hãng hàng không quốc gia sau dịch.

Năm 2020, doanh nghiệp này bán được 5 tàu bay A321 với giá 37 triệu USD, tương đương bình quân 7,4 triệu USD mỗi chiếc. Năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục rao bán thêm 11 chiếc, trong đó có 2 chiếc tồn từ đợt thanh lý năm trước đó. Ngoài ra, thời gian qua hãng cũng đã bán một số tàu bay ATR-72.

Liên quan đến Vietnam Airlines, hôm 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã quyết định chuyển cổ phiếu HVN từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch.

Phản hồi về việc này, Vietnam Airlines cho biết đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để sớm đưa cổ phiếu của doanh nghiệp trở lại giao dịch bình thường.

“Các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines”, đại diện hãng bay này nói.

Nhằm sớm đưa cổ phiếu trở lại tình trạng giao dịch bình thường, phía Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng đang phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin.

Quý I/2023, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần hợp nhất vượt 23.494 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất đạt được trong một quý từ khi dịch bệnh bùng phát. Với con số lãi trước thuế 19 tỷ đồng, Vietnam Airlines chính thức có lãi trở lại kể từ đầu năm 2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và hàng loạt đường bay phải tạm dừng khai thác.

Theo Chí Bình (VietnamFinance)