Khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Phùng Đức Tiến. Đặc biệt, Diễn đàn còn có sự tham dự của ngài Daniel Stork – Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM.
Đại diện địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn gồm: Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit; Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Vũ Mạnh Hùng.
Và, lãnh đạo đại diện của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA), Hội Doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp EuroCham, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham), Tập đoàn TTC, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn, BaF, Vinamilk…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Tây Ninh trong năm 2023, là dịp để tỉnh Tây Ninh lắng nghe ý kiến góp ý, tiếp thu lĩnh hội những ý tưởng hay, kinh nghiệm quý trong định hướng phát triển của địa phương, nhất là những giải pháp khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu điểm đến đầu tư hấp dẫn, hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh mến khách, thân thiện, nghĩa tình đến gần hơn với bạn bè quốc tế, với các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh có đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước hồ Dầu Tiếng dồi dào, tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Với vị trí địa lý quan trọng với tiềm năng, lợi thế đa dạng, phong phú và không gian phát triển lớn, Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược.
Trong đó phát, triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững và người nông dân Tây Ninh có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến , cho rằng: Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Đây là những điều kiện để Tây Ninh phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế…
Phấn đấu xây dựng Tây Ninh trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát huy được các thế mạnh này, Tây Ninh phải chú trọng vào các nhóm giải pháp như: phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính.
“Nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI.
Với tinh thần đó, tôi đánh giá cao tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Diễn đàn quan trọng và rất có ý nghĩa hôm nay. Đây là dịp tốt để các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Tây Ninh sẽ đón nhận làn sóng đầu tư quốc tế
Ông Vũ Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), cho biết: “Mục đích chính của Diễn đàn là gặp gỡ, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương với các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng, theo hướng số hóa, bền vững”.
Theo ông Hùng, bản thân ông cũng là Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn – một trong những tập đoàn nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Hùng Nhơn sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Trong đó, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Hues (Hà Lan), cũng là thành viên của EuroCham.
Liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
Ngoài ra, dự kiến cuối năm 2023 đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại xã Tân Hội, huỵện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
“Từ thành công và kinh nghiệm có được trong việc hợp tác với doanh nghiệp thuộc EuroCham. Tôi mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ của mình vào nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Hy vọng thông qua sự kết nối này, Tây Ninh sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu.
Với công nghệ, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp EuroCham, chắc chắn sẽ đầu tư thành công tại Tây Ninh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương phát triển theo hướng bền vững” – ông Hùng chia sẻ tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá: “Tây Ninh có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vai trò kết nối với thị trường Campuchia. Vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, khi tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được đưa vào sử dụng.
Với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn… Tuy nhiên, vấn đề của ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện nay là phải phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của EVFTA và EU”.
Theo ông Gabor Fluit: Để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có chất lượng, công nghệ hiện đại và tài chính vững mạnh. Đây là các tiêu chí mà các nhà đầu tư thuộc EuroCham có thể đáp ứng được.
Với sự đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường hơn 500 triệu dân và xa hơn nữa là trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất nông nghiệp.
Tất cả với mục đích tạo nên sự thay đổi cho Tây Ninh trong thời gian tới”.
Diễn đàn nhận được sự quan tâm và đồng hành của nhiều doanh nghiệp lớn. Cụ thể, ở hạng mục tài trợ kim cương là các doanh nghiệp: Tập đoàn TTC, Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus Việt Nam, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam; Tài trợ vàng là các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Thuốc thú y Toàn Thắng, Công ty TNHH Đầu Tư Phát Triển Thương Mại Và Xây Dựng Minh Anh.