Ung thư tuyến giáp có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng chẳng hạn như sung cổ, thay đổi giọng nói, khó nuốt.
Khi chạm ngưỡng tuổi 70, nam ca sĩ nổi tiếng Rod Stewart tiết lộ rằng, bản thân đang phải điều trị ung thư tuyến giáp, căn bệnh khiến giọng nói của ông vĩnh viễn bị thay đổi hoàn toàn khi phát hiện bệnh vào năm 2011. Rất may mắn, nam ca sĩ phát hiện ra bệnh của mình trong một cuộc kiểm tra khối u bằng máy quét và bệnh tình vẫn ở giai đoạn đầu có thể chữa trị. Trong khoảng thời gian điều trị, ông không thể hát và sau khi lấy lại được giọng nói, ca sĩ đã có thể hát nhưng giọng thấp hơn so với trước đây.
Về căn bệnh ung thư tuyến giáp, bệnh là sự phát triển bất thường của các tế bào trong tuyến giáp. Ban đầu, ung thư tuyến giáp có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi phát triển, nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như sưng cổ, thay đổi giọng nói và khó nuốt. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể được chữa khỏi nếu có phác đồ điều trị thích hợp.
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sớm của bệnh. Khi ung thư tuyến giáp phát triển, nó có thể gây ra:
– Một khối u (nốt sần) có thể sờ thấy trên cổ của bạn
– Những thay đổi đối với giọng nói như khó nói, khản giọng
– Khó nuốt
– Sưng hạch bạch huyết ở cổ
– Đau cổ và họng
Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển những thay đổi trong DNA của chúng. DNA của tế bào chứa các chỉ dẫn cho tế bào biết phải làm gì. Các thay đổi, mà các bác sĩ gọi là đột biến, cho biết các tế bào phát triển và nhân lên nhanh chóng. Các tế bào tiếp tục sống khi các tế bào khỏe mạnh sẽ chết một cách tự nhiên. Các tế bào tích tụ tạo thành một khối gọi là khối u.
Khối u có thể phát triển xâm lấn mô lân cận và có thể lan rộng (di căn) đến các hạch bạch huyết ở cổ. Đôi khi các tế bào ung thư có thể lan ra ngoài cổ đến phổi, xương và các bộ phận khác của cơ thể.
Các yếu tố rủi ro của ung thư tuyến giáp
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm:
– Giới tính nữ: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các chuyên gia cho rằng, nó có thể liên quan đến hormone estrogen.
– Tiếp xúc với mức độ bức xạ cao: Các phương pháp điều trị bằng bức xạ lên đầu và cổ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
– Một số hội chứng di truyền: Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm ung thư tuyến giáp thể tuỷ có tính chất gia đình, đa sản nội tiết, hội chứng Cowden và bệnh đa polyp tuyến gia đình. Các loại ung thư tuyến giáp đôi khi di truyền trong gia đình bao gồm ung thư tuyến giáp thể tuỷ và ung thư tuyến giáp thể nhú.
Các biến chứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp tái phát
Ung thư tuyến giáp có thể quay trở lại mặc dù điều trị thành công và nó thậm chí có thể quay trở lại kể cả khi người bệnh đã cắt bỏ tuyến giáp của mình. Điều này có thể xảy ra nếu tế bào ung thư lan ra ngoài tuyến giáp trước khi nó bị loại bỏ.
Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp không có khả năng tái phát, bao gồm các loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất – ung thư tuyến giáp thể nhú và ung thư tuyến giáp thể nang. Nhưng khả năng tái phát sẽ cao hơn nếu ung thư của bạn đang phát triển mạnh hoặc nếu nó phát triển ngoài tuyến giáp của bạn. Khi ung thư tuyến giáp tái phát xảy ra, nó thường được phát hiện trong năm năm đầu tiên sau chẩn đoán ban đầu của bạn.
Ung thư tuyến giáp di căn
Ung thư tuyến giáp đôi khi lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ung thư di căn có thể được tìm thấy khi bạn được chẩn đoán lần đầu hoặc chúng có thể được tìm thấy sau khi điều trị. Phần lớn các bệnh ung thư tuyến giáp không bao giờ lây lan.
Khi ung thư tuyến giáp di căn, nó thường di chuyển đến:
– Phổi
– Xương
– Não
– Gan
– Da
Ung thư tuyến giáp di căn có thể được phát hiện trong các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như CT và MRI, khi bạn lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/can-benh-khien-nam-ca-si-noi-tieng-nguoi-my…
Theo HỒNG GIANG (Theo Mayoclinic) (Tri thức & Cuộc sống)