Từ 2 ngày nay (kể từ 26 Tết), các quán rửa xe ô tô, xe máy ở Hà Nội đã có rất đông người qua sửa chữa, rửa xe.
Chị Nguyễn Thị Lâm – nhân viên của quán rửa xe cạnh Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ 2 ngày nay mỗi ngày quán của chị tiếp nhận và rửa xe cho từ 50-70 xe cả ô tô, xe máy. Hai vợ chồng chị làm đến quên ăn quên ngủ mà vẫn không kịp phục vụ khách hàng vào cận Tết Nguyên đán.
Theo chị Lâm, giá rửa một chiếc xe máy là 20-25 nghìn đồng, giá cho 1 lần rửa, vệ sinh xe ô tô là 50-70.000 đồng. Trung bình những ngày này, vợ chồng chị Lâm có thể rửa được từ 50 -70 chiếc xe ô tô và khoảng 40-50 chiếc xe máy.
Như vậy, những ngày cao điểm, vợ chồng chị có thể thu về gần chục triệu đồng. Tính trung bình, 5 ngày giáp Tết anh chị có thể kiếm được 1 chỉ vàng mỗi ngày.
Không chỉ dịch vụ rửa xe, dịch vụ bảo dưỡng, thay dầu, sửa chữa xe cộ cũng đắt khách. Anh Nguyễn Văn Tuất (45 tuổi) Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, những ngày này quán rửa xe của anh cũng quá tải. Quán có 3 người làm nhưng khách lúc nào cũng phải chờ.
“Những ngày cuối năm này, mọi người thường bảo dưỡng, thay dầu, và rửa xe. Ai cũng sợ đầu năm mới xe cộ hư hỏng, trục trặc sẽ không may mắn”, anh Tuất nói.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp quá tải ngày Tết
Chị Lê Thị Vân (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, công việc của chị khá bận rộn vì thế mãi cuối năm chị mới có thời gian đi tút tát nhan sắc, chỉnh sửa tóc tai, làm đẹp, thế nhưng đi mấy spa quen đều quá tải.
“Hiện tại thấy quán nào cũng quá tải, các bạn nhân viên đều hẹn đặt lịch trước. Chưa kể các bạn cũng thông báo giá dịch vụ tăng cao do thiếu nhân viên, nhân viên về nghỉ Tết sớm“, chị Vân nói.
Chị Nguyễn Thị Trang – chủ cơ sở Trang spa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thông thường cơ sở của chị sẽ mở, làm việc tới hết ngày 28 Tết sau đó cho nhân viên về quê ăn Tết. Tuy nhiên, nếu nhân viên nào có nhu cầu làm tăng ca, ở lại làm Tết thì cơ sở sẽ tính lương tăng. Đương nhiên, chi phí này được tính cho phía khách hàng.
Chị Trang lấy ví dụ, như ngày bình thường, dịch vụ chăm sóc da mặt, điện di tinh chất có giá 200-250 nghìn đồng/1 lần làm thì nay tăng lên 300 nghìn đồng. Dịch vụ gội đầu tăng giá từ 50 nghìn lên 70-100 nghìn tùy loại dầu gội đầu và dịch vụ đi kèm.
Tuy phải trả số tiền cao hơn ngày thường nhưng thực tế các khách hàng đều rất thoải mái bởi tâm lý “tuy đắt mà còn được làm là may rồi”, chị Vân nói.
Dịch vụ sắm cỗ online ngày Tết
Khác với Tết xưa, Tết nay thay vì phải cặm cụi làm bếp nhiều người chọn giải pháp mua sắm cỗ online. Nghĩa là chỉ cần người tiêu dùng gọi điện tới dịch vụ làm cỗ online, chi một số tiền nhất định là sẽ có ngay một mâm cỗ thịnh soạn.
Chỉ cần search trên mạng từ khóa “Dịch vụ cỗ tết online” là đã có hàng triệu kết quả. Theo đó, các mâm cỗ rất đa dạng với nhiều mức tiền khác nhau để khách hàng dễ lựa chọn. Giá dao động cho một mâm cỗ là từ 1-5 triệu đồng, đã bao gồm chi phí vận chuyển tại nhà, kèm cả bát đũa đầy đủ. Kết thúc bữa ăn, đơn vị cung ứng dịch vụ còn thu dọn gọn gàng, khách hàng không cần làm gì.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên dùng dịch vụ sắm cỗ online. Hai tuần trước chị Thanh đặt dịch vụ cỗ Tết chuẩn bị bốn mâm cơm dành cho bốn lễ chính: cúng ông Táo, tất niên, giao thừa và hóa vàng, cùng mâm ngũ quả.
Yêu cầu của chị là mâm quả phải mang ý nghĩa “sung túc – vẹn toàn – tấn tài tấn lộc”, trong khi cỗ cúng dâng tổ tiên phải đủ bốn món luộc, ba món rán, hai món xào và một bát canh mọc ngũ sắc. Giá mỗi mâm khoảng 1,2 triệu đồng cho gia đình 6 người.
“Chỉ với một cuộc điện thoại tôi đã có một mâm cỗ tươm tất. Giá không quá cao so với tự chuẩn bị, mà lại có cỗ đẹp mắt, ngon miệng bởi hai vợ chồng đều nghỉ Tết muộn, còn bố mẹ đã già yếu”, chị Thanh.
Cũng như chị Thanh, ngày càng có nhiều phụ nữ ở thành phố lựa chọn dịch vụ này để giải phóng sức lao động. Theo tính toán, thì mua cỗ online cũng không đắt hơn quá nhiều (chênh khoảng 200-300.000 đồng) so với việc mình tự tay mau đồ vào bếp mà các chị em lại được nhàn hạ hơn, chưa kể tới việc có đầu bếp chuyên nghiệp nấu cũng ngon hơn rất nhiều.