Người thừa cân, béo phì; người bị bệnh dạ dày; bệnh thận; đang bị mụn nhọt… nên hạn chế ăn bánh chưng rán để tránh gây hại cho sức khỏe.
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình Việt. Xét về góc độ dinh dưỡng, bánh chưng chứa rất nhiều năng lượng vì có thành phần dinh dưỡng cao với đủ 4 nhóm thực phẩm: Gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đỗ xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm), hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất).
Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu 1 chiếc bánh chưng nặng khoảng 1 kg thì cung cấp khoảng 1800 – 2000 calo. Một miếng bánh chưng (1/8 cái bánh) tương đương 200 – 300 calo sẽ bằng ăn 1 bát cơm kèm theo thức ăn. Trong khi đó 1 người bình thường mỗi ngày chỉ nên ăn 2000 calo.
Vì vậy, nếu một ngày ăn 1 miếng bánh chưng kèm theo các thực phẩm khác ngày Tết thì sau kỳ nghỉ Tết sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì rất cao.
Ảnh minh họa
Không chỉ ăn bánh chưng luộc, nhiều gia đình vì muốn đổi bữa còn đem bánh chưng đi chiên, rán qua dầu ăn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, món ăn này sẽ làm tăng thêm lượng chất béo cơ thể phải tiếp nhận.
Điều đáng nói, bánh chưng rán không chỉ gây tăng cân mà lượng chất béo hấp thu từ việc chiên rán vào cơ thể còn gây hại cho một số nhóm người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch và bệnh thận, dạ dày… Cụ thể:
Người bị cao huyết áp
Những người huyết áp cao, nhất là người cao tuổi luôn phải tuân thủ chế độ ăn ít chất béo, muối, đường…Vì vậy đối với bánh chưng rán chứa nhiều chất béo có thể gây tăng tiết axit dịch vị, làm gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
Người có tiền sử bị bệnh dạ dày
Nếu ăn nhiều bánh chưng rán sẽ gây cảm giác khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi khó chịu, vì vậy, những người bị đau dạ dày cần hạn chế ăn để tránh tái phát các triệu chứng của bệnh.
Người thừa cân, béo phì
Nếu đã mắc bệnh béo phì thì không nên ăn bánh chưng rán vì món này rất giàu năng lượng và nhiều chất béo. Nếu không tuân thủ sẽ khiến tình trạng tăng cân khó có thể kiểm soát được.
Người hay nổi mụn nhọt
Người bị mụn nhọt nên ăn ít bánh chưng rán vì loại bánh này sẽ gây nóng trong, làm nặng hơn tình trạng mụn nhọt. Có trường hợp, sau khi ăn bánh chưng rán còn khiến vết mụn bị sưng, lở loét, thậm chí gây mưng mủ.
Người mắc bệnh thận
Đối với bệnh nhân bị bệnh thận, nhất là ở bệnh nhân suy thận mạn đã có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và ở bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu thì tuyệt đối không nên ăn bánh chưng rán bởi hàm lượng chất béo trong bánh sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.
Ăn bánh chưng rán như thế nào là hợp lý?
Các chuyên gia khuyến cáo, bánh chưng rán ngon nhưng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để tránh gây hại cho sức khỏe:
Không nên ăn kèm bánh chưng rán với các tinh bột khác như cơm, bún, xôi, bánh mì, phở… Nên ăn kèm bánh chưng rán cùng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, khoáng chất như trái cây, rau xanh.
Mục đích của việc này là để chống ngán do bánh chưng rán chứa rất nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, việc tăng cường chất xơ nhằm giúp cơ thể chuyển hóa chất bột đường từ bánh chưng nhanh và hiệu quả hơn, từ đó phòng chống các bệnh liên quan đến chuyển hóa đồng thời để cân bằng dinh dưỡng.
Để tránh tăng cân, khi ăn 1 miếng bánh chưng rán cần giảm bớt 1 bát cơm so với thông thường, đồng thời ăn cùng nhiều rau, củ quả để giúp quá trình chuyển hóa bột đường được nhanh hơn và không bị ngán.
Không nên ăn bánh chưng rán vào buổi tối, chỉ nên ăn vào buổi sáng hoặc trưa. Mỗi ngày tốt nhất nên ăn không quá 1 phần 8 miếng bánh chưng rán và không ăn liên tiếp 2 ngày.
Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm nhiều năng lượng khác trong ngày Tết như bánh, mứt, hoa quả sấy, rượu, bia, đồ uống có gas…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu ăn 1 miếng bánh chưng rán bị dính 1ml dầu ăn, nên chịu khó chạy bộ 33 phút rồi ngồi nghỉ thêm 8 phút để tiêu hết nó.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/banh-chung-ran-ngon-nhung-nhung-nhom-nguoi-nay-khong-nen-an-de…
Theo Anh Khôi (Gia đình & Xã hội)