Sức mạnh nắm tay là một biểu hiện quan trọng của thể lực và sức mạnh cơ bắp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở người cao tuổi, sức mạnh nắm tay có mối tương quan rõ rệt hơn với chức năng nhận thức. Sức mạnh cầm nắm càng cao thì chức năng nhận thức càng ít bị tổn thương hơn.
Một nghiên cứu trên gần nửa triệu người Anh đã chỉ ra rằng những người có khả năng nắm chặt tay sẽ có bộ não khỏe mạnh hơn trong cuộc sống sau này. Những người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi trung niên với khả năng nắm chặt hơn đã thực hiện rất tốt các bài kiểm tra về trí nhớ, khả năng suy luận và tư duy nhanh nhạy.
Trong một nghiên cứu các nhà khoa học cũng nhận định rằng sức mạnh nắm tay có thể được sử dụng như một công cụ để đo dấu hiệu nhanh chóng về sức mạnh cơ bắp chung của một người nào đó. Các biểu đồ tham khảo đã phát triển phù hợp để đánh giá sức mạnh cơ bắp ở cả trẻ em và thanh thiếu niên trong môi trường nghiên cứu và lâm sàng.
Lực cầm nắm có liên quan đến tỷ lệ tử vong
Sức mạnh của bàn tay (HGS) là một bài kiểm tra thể chất sử dụng trong các đánh giá cộng đồng. Sự suy giảm HGS được báo cáo là có liên quan đến những hạn chế về thể chất ở người từ 60 tuổi trở lên. Trong một phân tích tổng hợp dựa trên 6.426 người lớn tuổi đã chỉ ra rằng HGS thấp có liên quan đến tỷ lệ tử vong.
Do đó HGS có thể được sử dụng như một bài kiểm tra duy nhất để xác định hiệu quả mức độ thể chất của người lớn tuổi. Trong nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra mối tương quan của HGS với các thông số khác nhau về thể lực và thu được dữ liệu rất khách quan.
Lực cầm nắm có liên quan đến sức khỏe tim mạch
Độ nắm chắc của tay cũng có thể là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể. Một nghiên cứu đã kết luận rằng lực nắm tay là một yếu tố dự báo sức bền cơ bắp và sức mạnh tổng thể. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng việc nắm chặt tay hơn có liên quan đến giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Những phát hiện này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe tim mạch và sức mạnh cơ bắp.
Giá trị lực nắm tay thường được đo bằng máy đo độ nắm: Khi đo lực nắm, yêu cầu khuỷu tay phải ở một góc vuông và cố gắng treo lơ lửng trong không khí mà không chạm vào cơ thể và quần áo; giữ chắc tay cầm trong một thời gian vài giây. Lực cầm nắm sẽ được đo 2 lần cho mỗi tay và chọn giá trị trung bình của 2 phép đo.
3 loại bài tập có tác dụng phát triển trí não vượt trội
Nghiên cứu cho thấy khi sức mạnh cơ bắp tăng lên có thể cải thiện chức năng não ở người lớn khi gặp tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI). Tuy nhiên, nếu muốn có tác dụng rèn luyện trí não tốt hơn thì việc lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Bài tập aerobic, bài tập phối hợp và rèn luyện sức mạnh, được cho là có tác dụng rất tích cực đối với sức khỏe não bộ.
Bài tập aerobic
Tập aerobic có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng não có liên quan đến trí nhớ, sau khi lưu lượng máu tăng lên, các dây thần kinh não bộ sẽ được huy động. Đồng thời tập aerobic còn khiến thần kinh hưng phấn hơn, nên rất có lợi cho não bộ.
Bài tập phối hợp
Các bài tập phối hợp đề cập đến khả năng phân bổ, kết hợp và hoàn thành các hành động cụ thể của bộ não con người dưới sự kiểm soát của hệ thống thần kinh trung ương. Do đó, sự nhuần nhuyễn và chính xác của việc phối hợp các động tác là một loại bài tập cho chức năng của não bộ, giúp tăng cường khả năng kiểm soát cơ thể, phân phối chú ý và ức chế.
Chuyển động phối hợp hai chiều có thể kích hoạt sự phối hợp của bán cầu não trái và phải, kích thích toàn diện sức sống của từng vùng não và tăng cường năng lực điều hành, sự chú ý và khả năng phản ứng.
Phương pháp: Hãy thử di chuyển cánh tay phải theo thứ tự “lên, giữa, xuống” và cánh tay trái lần lượt “lên, xuống”. Bắt đầu hoàn thành nhiệm vụ bằng cả 2 tay cùng một lúc, tăng độ khó khi kết hợp dậm chân với các chi dưới, sau cùng là kết hợp hoàn thành “bên trái 2 và bên phải 3” với cả hai tay.
Rèn luyện sức mạnh cơ bắp
Rèn luyện sức mạnh cơ bắp là một phương pháp tập luyện với mục tiêu chính là nâng cao sức mạnh co bóp của cơ bắp. Tập luyện cơ bắp thường xuyên và có định lượng sẽ tạo ra sự rèn luyện kích thích tích cực cho não bộ, giúp chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả công việc hàng ngày và giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện khả năng tư duy.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý rằng: Tập thể dục đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho não bộ, nhưng đừng lạm dụng nó!
Giống như trăng tròn sẽ khuyết, nước đầy sẽ tràn, khi vận động quá sức, cơ thể con người sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng. Lúc này, để bảo vệ bản thân, máu sẽ mang theo một lượng lớn oxy dồn đến cơ bắp và các cơ quan nội tạng, đồng thời não bộ sẽ bị thiếu oxy, khiến cho chức năng bình thường của cơ thể bị suy giảm.
Hơn nữa, sau khi vận động quá sức, con người sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, yếu ớt, đầu óc không minh mẫn. Nếu điều này diễn ra trong một thời gian dài, chức năng não bộ sẽ bị tổn thương, con người sẽ có các triệu chứng như kém tập trung, mất ngủ và hay quên.