Ngày 28/2, tại buổi truyền thông “Chán ăn tâm thần: Nguyên nhân và hệ lụy”, bác sĩ Nguyễn Phương Linh (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ về trường hợp chán ăn nghiêm trọng sau một thời gian giảm cân.
Kiêng khem vì sợ béo dẫn đến chán ăn tâm thần
Bệnh nhân là em N.T.T (13 tuổi), nhập viện trong tình trạng cao 1m73 nhưng chỉ nặng chưa đến 50kg.
Gia đình cho biết, em không có bệnh tật gì, phát triển khỏe mạnh, tính cách vui vẻ hòa đồng, có thành tích cao trong học tập, tích cực tham gia hoạt động với bạn bè.
1 năm trước, bệnh nhân cao 1m56 cân nặng khoảng 67-68kg. Trong lúc chơi đùa, bạn bè chế diễu bệnh nhân béo phi, thân hình không cân đối.
Vì sợ bị chê béo nên bệnh nhân dần dần không muốn chơi với các bạn và tham gia các hoạt động ở trường lớp như trước. Người bệnh tự tìm hiểu các phương pháp giảm cân trên mạng, hạn chế ăn uống, tập thể dục với cường độ cao (1-2 tiếng/ngày) để giảm cân.
Bố mẹ bệnh nhân cho biết, khi bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao của bệnh nhân tăng nhanh, cân nặng cũng giảm đi, thân hình cân đối nhưng bệnh nhân vẫn kiêng ăn, tập luyện nhiều khiến cơ thể ngày một gày yếu, có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp.
Tuy nhiên khi nhìn vào gương, bệnh nhân vẫn cho rằng cơ thể mình bình thường, cảm thấy phần tay chân và bụng vẫn còn béo, nặng 51kg nhưng bệnh nhân vẫn ăn uống rất ít, không ăn thịt cá, chỉ ăn vài cọng rau mỗi ngày, ăn bánh bao chay vào buổi sáng, trưa và tối chỉ ăn vài thìa cơm trắng.
Dù ăn rất ít nhưng bệnh nhân vẫn luyện tập thể dục với cường độ cao. Khi không tập thể dục người bệnh có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người, bắt buộc phải tập luyện theo chế độ. Gia đình quá lo lắng nên đã đưa con đi khám dinh dưỡng rồi khám chuyên khoa tâm thần.
Kết quả thăm khám tâm thần cho thấy, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân bị trầm cảm ở mức độ nhẹ, lo âu ở mức trung bình, nhận thức sai lệch và bận tâm quá mức về trọng lượng và hình dạng cơ thể. Kết luận là bệnh nhân bị chán ăn tâm thần.
Các bác sĩ đã cho trị liệu tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình; Giải thích cho người bệnh hiểu về tình trạng bệnh tật, giúp người bệnh giảm dần thời gian tập luyện thể lực cường độ cao, thay thế bằng các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Sau điều trị 15 ngày, người bệnh ăn uống tốt hơn, khối lượng ăn uống đáp ứng khoảng 70% so với yêu cầu của chuyên khoa dinh dưỡng nhưng còn lo lắng, sợ bị béo khi không ăn kiêng.
Tái khám sau 1,5 tháng sau ra viện cho thấy, người bệnh bắt đầu ăn uống tốt hơn, tăng dần khối lượng ăn uống, đạt 100% theo lứa tuổi, có hứng thú ăn uống và cảm giác ngon miệng kèm theo không còn cảm giác sợ tăng cân.
Nguy cơ chán ăn tâm thần
Theo bác sĩ Vũ Sơn Tùng (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng ăn vào so với nhu cầu, dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp đáng kể. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể bị biến dạng và không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng của trọng lượng cơ thể thấp đáng kể của họ.
Theo bác sĩ Tùng, có 2 dạng chán ăn. Một là hạn chế ăn uống bằng cách ăn ít hết sức có thể, hai là ăn vào lại đào thải ra (ăn bình thường sau đó bị nôn hoặc dùng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài).
Bác sĩ Tùng nhận định, nguyên nhân chưa được biết rõ, có thể là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
Theo đó, trẻ em ở tuổi dậy thì, phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh dễ bị ám ảnh bởi cân nặng, dẫn đến kiêng khem ăn uống quá mức và lâu dần bị chán ăn tâm thần.
Ngoài ra, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông tôn vinh những người có hình thể gày gò, mảnh mai. Thành công và giá trị thường được đánh đồng với sự thon gọn. Áp lực từ bạn bè có thể thúc đẩy mong muốn được trở nên thon thả, đặc biệt là ở các cô gái trẻ.
Áp lực phải tuân theo một hình ảnh cơ thể lý tưởng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của một cá nhân và làm tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần. Đặc biệt là 1 số người làm nghề người mẫu, diễn viên…
Theo bác sĩ Tùng, chán ăn tâm thần có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại cho sức khỏe như: Thiếu máu; Các vấn đề về tim mạch; Loãng xương, nguy cơ gãy xương; Giảm khối lượng cơ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; Giảm testosterone ở nam giới; Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn; Rối loạn điện giải: hạ K, Na, Cl; tổn thương thận; Hội chứng tái nuôi dưỡng.
Ở mức nghiêm trọng nhất có thể gây tử vong. Có thể tử vong đột ngột ngay cả khi không bị thiếu cân nặng do: rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải (natri, kali và canxi duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể)
Bệnh nhân mắc chán ăn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, mọi cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương, bao gồm cả não, tim và thận. Tình trạng này có thể không được đảo ngược hoàn toàn, ngay cả khi chứng chán ăn đã được kiểm soát.
Ngoài các biến chứng về thể chất, những người mắc chứng chán ăn cũng thường mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Bao gồm:Trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác; Rối loạn giấc ngủ; Rối loạn nhân cách; Rối loạn ám ảnh cưỡng chế; Lạm dụng rượu và chất gây nghiện; Hành vi tự huỷ hoại, ý tưởng và hành vi tự sát.
“Hành vi tự huỷ hoại cũng là một biến chứng thường gặp và gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với người bệnh đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các nghiên cứu chỉ ra có khoảng 22% người bệnh chán ăn tâm thần có tiền sử ít nhất một lần từng tự gây tổn thương bản thân bằng các hình thức như tự cắt, cứa vào da hoặc gây bỏng bằng thuốc lá…”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
“Tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần suốt đời khoảng 0,6% ở dân số trưởng thành Hoa Kỳ. Tỷ lệ mắc ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới (0,9 so với 0,3%). Trong các cơ sở lâm sàng, tỷ lệ giữa nữ/nam ~10/1 – 20/1.
Thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, thường là khi bắt đầu dậy thì và hình dạng cơ thể thay đổi. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi
Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh dưới 15 tuổi ngày càng tăng. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn.
Trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ có tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần nhiều hơn nhưng nam giới trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh. Tỷ lệ cao hơn trong một số ngành nghề: đấu vật, vận động viên thể hình , người mẫu,…”, bác sĩ Tùng cho biết.