Nguyên nhân ho có đờm xanh
Đờm là loại chất nhầy tiết ra ở cổ họng, ngực hoặc phổi. Trong trường hợp bình thường, đờm có màu trắng và trong suốt thì không đáng lo ngại. Khạc ra đờm trong có tác dụng làm sạch ổ họng và tống các tác nhân kích thích ra ngoài.
Ho có đờm xanh mới là biểu hiện cần quan tâm hơn vì khi đó, nó thường là triệu chứng của bệnh tật. Một số nguyên nhân điển hình sau đây thường khiến người bệnh khạc ra đờm xanh.
Nhiễm trùng
Khi bạn tiết ra nhiều đờm xanh thì nguy cơ cao là cơ thể đã bị nhiễm trùng, chủ yếu là do các loại vi khuẩn và virus gây ra, điển hình như bệnh viêm xoang, viêm phổi hoặc viêm phế quản cấp tính…
Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này ngoài tiết ra đờm màu xanh thì còn kèm theo những triệu chứng đặc thù như sốt cao, tức ngực, khó thở, mệt mỏi và đặc biệt là ho dai dẳng, khó điều trị nhanh chóng.
Viêm phế quản mãn tính
Sống và sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm lâu ngày hoặc người nghiện thuốc lá thường gây viêm phế quản mãn tính. Đờm tiết ra có thể màu xanh hơi vàng và ho kéo dài hơn 3 tháng trở lên. Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị.
Viêm xoang mãn tính
Viêm xoang có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Biểu hiện của nó thường là nghẹt mũi, chảy nước mũi sau, mệt mỏi, đau đầu kinh niên kèm theo ho ra đờm xanh… Bạn nên hạn chế tiếp xúc với những tác nhân làm tăng nặng tình trạng viêm xoang.
Đặc biệt, thời tiết chuyển lạnh rất dễ khiến viêm xoang mãn tính tái phát cực kỳ khó chịu. Người bệnh này cần chú ý giữ ấm cơ thể từ trong ra ngoài, nếu triệu chứng nghiêm trọng có thể uống thuốc do bác sĩ kê toa.
Bệnh xơ nang
Đây là một dạng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hóa, cũng có biểu hiện ho có đờm xanh đặc trưng, đôi khi hơi ngả vàng và khá dính. Triệu chứng liên quan bao gồm ho dai dẳng, nhiễm trùng đường hô hấp mãn tính, sụt cân, vấn đề về tiêu hóa…
Điều trị và cải thiện triệu chứng ho có đờm xanh như thế nào?
Trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, và có liệu trình điều trị lâu dài khi cần thiết với các bệnh mãn tính.Thuốc thông mũi hay thuốc long đờm cũng có thể kèm theo để giảm bớt triệu chứng.
Ngoài chăm sóc y tế, người bệnh cần chú ý điều chỉnh sinh hoạt cho hợp lý, giúp tăng hiệu quả trị bệnh cũng như phòng ngừa tốt hơn. Đầu tiên là uống đủ nước để làm sạch cổ họng và khoang miệng, làm loãng đờm và dễ dàng tống nó ra ngoài.
Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đủ chất, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu, nâng cao sức đề kháng tổng thể. Bạn nên kiêng rượu bia, thuốc lá và các món ăn nhiều dầu mỡ.
Súc miệng bằng nước mũi loãng để làm dịu chứng viêm, hỗ trợ diệt khuẩn và giảm tiết dịch nhầy. Ngoài ra, bạn có thể cho vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào tô nước nóng rồi hít hơi nước bốc lên để làm thông mũi họng.
Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả, kèm theo là bệnh có biểu hiện nghiêm trọng hơn như sốt không hạ, khó thở, ho khạc ra đờm có máu… thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm biện pháp phán đoán tình trạng ho có đờm xanh, chăm sóc y tế và xử lý tại nhà đúng cách, hiệu quả.
Thiên Khuê (Theo Net)