Biển Đỏ dậy sóng, doanh nghiệp Việt như ‘ngồi trên đống lửa’

Giá cước vận tải biển tăng dựng đứng, thời gian giao hàng bị chậm khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Có đơn hàng, doanh nghiệp phải chuyển sang đường hàng không.

Cước đi EU tăng gấp 3,5 lần

Trao đổi với PV. VietNamNet chiều 11/1, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T (doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn ở nước ta) – cho hay, giá cước vận tải tăng mạnh, các container chở trái cây của công ty sang thị trường EU vẫn lênh đênh trên biển.

“So với thời gian dự kiến giao hàng cho đối tác thì bị chậm mất 2 tuần”, ông nói. Tuy nhiên, điều khiến ông lo lắng hơn là việc vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Với mặt hàng rau quả, thời gian vận chuyển quyết định độ tươi ngon.

Do đó, với mỗi thị trường, doanh nghiệp phải tính toán khoảng thời gian vận chuyển để lựa hàng phù hợp, sao cho khi cập cảng và bày bán trên quầy kệ siêu thị chất lượng trái cây vẫn đảm bảo.

“Chúng tôi đang phải đàm phán với phía đối tác để lùi thời gian giao hàng”, ông chia sẻ. Còn với thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp đành chuyển hàng bằng đường hàng không để khớp tiến độ hợp đồng ký kết trước đó.

Do tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ, lịch trình các tàu phải thay đổi – không đi qua kênh đào Suez mà đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi – làm phát sinh thời gian cũng như cước phí vận chuyển. Thông thường, thời gian vận chuyển sang châu Âu là 28-30 ngày, nay các hãng tàu thông báo kéo dài lên 47-55 ngày, cước phí vận chuyển tăng dựng đứng.

Ông Nguyễn Quốc Chiếm, đại diện Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết, trong thông báo ngày 2/1, các hãng tàu cho hay giá cước xuất khẩu sang châu Âu tăng vọt lên lên ngưỡng 5.300-6.300 USD/container và sắp tới có thể còn tăng.

Theo ông Chiếm, nếu không sớm giải quyết, giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng và có thể lên như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát (20.000 USD/container). 

Đáng lo hơn, đối tác từ châu Âu sẽ tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế mà không phải đi qua khu vực Biển Đỏ. Việc này đồng nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta có nguy cơ mất đơn hàng, ông chia sẻ.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã báo cáo lên Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình cước vận chuyển tàu biển trên một số tuyến chính có liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta. 

Biển Đỏ dậy sóng, doanh nghiệp Việt như ‘ngồi trên đống lửa’
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp cần cập nhật tình hình, chủ động kế hoạch xuất nhập khẩu để tránh ùn tắc (Ảnh: Hoàng Giám)

Theo đó, VASEP cho hay, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu biển như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk,… thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ/Canada, EU và các nước do căng thẳng tại Biển Đỏ.

Họ buộc phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á – châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên. 

Cụ thể, cước đi bờ Tây Mỹ tăng 800-1.250 USD/container so với tháng 12 vừa qua, lên 2.873-2.950 USD; cước đi Bờ Đông tăng 1.400-1.750 USD, lên mức 4.100-4.500 USD cho tháng 1/2024, tương đương mức tăng 58-73%. 

Riêng cước đi EU tăng mạnh nhất. Tháng 1 này, cước vận chuyển đi Hamburg tăng gấp 3,5 lần so tháng 12/2023, lên 4.350-4.450 USD/container. 

Chủ động phương án xuất nhập khẩu

Theo VASEP, khoảng 80% lượng hàng đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do những bất ổn từ Biển Đỏ, các tàu buộc phải vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình kéo thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn. 

Cùng với đó, do lưu lượng hàng hóa trong năm 2023 ít nên nhiều tuyến cắt bớt tàu mẹ. Khi hành trình kéo dài làm cho vòng quay một con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến phải cắt bỏ một số chuyến hàng tuần, dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu phát đi khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội trong lĩnh vực logistics về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Theo Tâm An (VietNamNet)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});