Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Bất chấp đà bán ròng miệt mài của nhà đầu tư nước ngoài, VN-Index vẫn tăng hơn 12% trong năm 2023 và được kỳ vọng khởi sắc, là một kênh đầu tư hấp dẫn với khả năng sinh lời tốt hơn trong năm 2024

Kết thúc năm 2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng 122 điểm so với năm trước (+12,2%), là một trong những thị trường chứng khoán sôi động trong khu vực. Chứng khoán năm 2024 được nhận định sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong bối cảnh định giá của thị trường ở mức phù hợp, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp (DN) khả quan hơn; chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp…



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn?
Nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dòng tiền nội sẽ thúc đẩy VN-Index đi lên

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường – Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì xu hướng phục hồi trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 và tiến sát mốc 1.130 điểm. Động thái đảo chiều mua ròng của khối ngoại đã giúp tháo gỡ nút thắt tâm lý của thị trường, kỳ vọng đà mua ròng này có thể tiếp diễn trong những tuần giao dịch đầu năm mới.

Bước sang năm 2024, dòng tiền nội có thể hứng khởi hơn khi thị trường xuất hiện một vài thông tin hỗ trợ quan trọng như tăng trưởng tín dụng cải thiện đáng kể trong tháng 12-2023. Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 6,72% trong quý IV/2023 và 5,05% trong cả năm 2023 cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét hơn của nền kinh tế. Lạm phát cả năm 2023 bình quân tăng 3,25% thể hiện áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện để tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi tăng trưởng…

Một con số khác được bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Trưởng Phòng Phân tích khối vĩ mô và chiến lược – Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đưa ra là nếu nhìn lại từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023, khi định giá thị trường P/E của VN-Index ở mức thấp nhất 10 năm, khối ngoại đã mua ròng tổng giá trị lên tới 32.600 tỉ đồng (năm 2023, khối ngoại bán ròng 24.600 tỉ đồng trên sàn HoSE). Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam cao, đồng USD tăng giá so với VNĐ.

“Không chỉ Việt Nam, quan sát cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp thời gian qua đã rút ròng khỏi các nước và đổ về Mỹ. Khi khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư cá nhân trong nước là đối tượng mua ròng do lãi suất huy động giảm đáng kể. Nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong thời gian tới, với tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm này chiếm bình quân trên 80% tổng giá trị hằng ngày. Vì vậy, diễn biến giao dịch của khối ngoại không phải là rào cản lớn đối với thị trường chung” – bà Bảo Trân phân tích.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn? - 1

 Lợi nhuận của DN được cải thiện

Nhìn từ góc độ vĩ mô, nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán cho rằng nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Năm 2024, 2 động lực kinh tế chính sẽ là giải ngân đầu tư công và thu hút vốn FDI. Xuất khẩu và hoạt động sản xuất công nghiệp cũng được kỳ vọng khởi sắc hơn, dù còn phụ thuộc vào biến số kinh tế thế giới khá lớn.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư – Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng “hồi phục trong thận trọng” sẽ là từ khóa chính cho thị trường trong năm 2024. Xu hướng tổng thể là tiếp tục quán tính hồi phục từ năm 2023 nhưng tốc độ chậm và sẽ có các đợt biến động, đặc biệt nếu xuất hiện những tín hiệu chưa đạt được như kỳ vọng của nền kinh tế hay các rủi ro bất định từ bên ngoài.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn? - 2
Nguồn: FIINPRO-X, MBS RESEARCH

Phân tích diễn biến nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn chỉ giải ngân thăm dò trong những phiên giao dịch cuối của năm 2023, bà Nguyễn Thị Bảo Trân nhìn nhận có thể nhà đầu tư thấy còn nhiều khó khăn trong năm 2024, đặc biệt là áp lực đảo chiều kỳ vọng ở thị trường chứng khoán Mỹ nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất không sớm như dự báo và ít hơn kỳ vọng đang đặt ra. Đổi lại, việc triển khai hệ thống KRX trong tương lai gần và việc tìm kiếm giải pháp cho 2 vấn đề cần cải thiện để hỗ trợ cho nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE Russel (bao gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài) sẽ củng cố thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư.

Một yếu tố tích cực khác cho thị trường chứng khoán năm 2024 là lợi nhuận của các DN niêm yết được kỳ vọng sẽ cải thiện từ nền thấp của năm trước đó. Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, phân tích trong năm 2024, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 19%, cao nhất trong ASEAN và cao hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ – 2 thị trường có truyền thống tăng trưởng cao của châu Á.

Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường. Với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 19% của các DN niêm yết, định giá P/E của VN-Index cho năm 2024 sẽ về khoảng 9,6 lần với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, gần như là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Mức này cũng thấp hơn khoảng 25% so với mức định giá của các nước ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).

Tại báo cáo chiến lược năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng dự báo lợi nhuận ròng của thị trường sẽ tăng 16,8% so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích MBS, dự đoán điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ vào quý III và IV/2024. VN-Index có thể sẽ tăng lên mức 1.250 – 1.280 điểm, trên cơ sở lợi nhuận DN niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E từ 12 – 12,5 lần. 

Chờ bước ngoặt nâng hạng

Chuyên gia của VinaCapital cho hay một yếu tố được xem là bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam là khả năng sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với các cơ quan liên quan và các công ty chứng khoán nỗ lực để đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sớm và loại bỏ quy định các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch mua chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, ước tính tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7% – 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Khi đó, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên 5 – 8 tỉ USD.

Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Đây sẽ là một trong những yếu tố rủi ro có thể tác động đến VN-Index năm 2024″. – Bà TRẦN KHÁNH HIỀN, Giám đốc khối phân tích MBS.

 Theo Thái Phương (Nld.com.vn)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});