Đánh mất bản thân: Hội chứng chú hề ma quái

Chú hề thường được biết đến là nhân vật đem đến niềm vui và sự thú vị trong các sự kiện dành cho trẻ em, nhưng lại đem lại cảm giác bất an, ngờ vực đối với một số người trưởng thành. Điều gì làm cho những nhân vật hài hước và có vẻ ngớ ngẩn thái quá này trở nên đáng sợ? Các nhà tâm lý học xã hội gọi đó là hội chứng đánh mất bản thân (deindividuation).

chú hề
(Ảnh: BORIMAT PRAOKAEW/ ShuterStock)

Ẩn sau lớp trang điểm đậm và trang phục sặc sỡ, danh tính thực sự của một chú hề hoàn toàn bị che giấu, điều này khiến nhiều người cảm thấy bất an, bởi vì một người có khả năng đi chệch khỏi hành vi xã hội bình thường khi khiến người khác không nhận ra họ.

Hội chứng “Đánh mất bản thân” là gì?

Hội chứng “Đánh mất bản thân” thường được mô tả là trạng thái khi một người bị cuốn hút vào các quy tắc của một nhóm đến mức đánh mất nhận thức và bản sắc cá nhân. Trong những trường hợp này, người đó có thể nới lỏng nhận thức đúng đắn của mình để ủng hộ tâm lý nhóm.

Lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Leon Festinger vào những năm 1950, thuật ngữ “deindividuation” thường gắn liền với sự ẩn danh của cá nhân khi là thành viên trong một nhóm. Các tác động tiêu cực bao gồm mất tự chủ và trách nhiệm đối với hành vi của bản thân. Đánh mất bản thân cũng có thể dùng như một lá chắn để chống lại sự phán xét tiêu cực do cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc sợ hãi.

Cho dù cố ý hay không, việc che giấu con người thật của mình sau đám đông hoặc trang phục được biết đến là hành vi khuyến khích nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức thông thường và điều này đã xuất hiện từ cách đây hàng nghìn năm.

Do trạng thái này có thể dẫn đến hành vi thô bạo hơn, nên nó từ lâu đã được sử dụng trong chiến đấu. Quân đội thúc đẩy tinh thần tập thể cùng với các quy định nghiêm ngặt về trang phục và ngoại hình. Tước bỏ cá tính của binh lính có thể khiến họ trở nên thiện chiến hơn.

Một ví dụ khác về hội chứng Đánh mất bản thân thường xảy ra trong các bữa tiệc hóa trang Halloween hay lễ hội Mardi Gras. Trong những ngày này, người ta thường mặc những bộ đồ hóa trang thành những nhân vật khác với vẻ ngoài và tính cách hàng ngày, và điều này có thể dẫn đến những hành vi ngông cuồng hơn.

Hội chứng đánh mất bản thân cũng phổ biến trong cư dân mạng. Một trong những điều nguy hiểm nhất của các mối quan hệ trên internet là mọi người có thể hoàn toàn ẩn danh. Một đối tượng hẹn hò tiềm năng của bạn có thể là bất kỳ ai dưới vỏ bọc là tên giả, hình đại diện giả và thậm chí là tính cách giả.

đánh mất bản thân
Cho dù cố ý hay không, việc che giấu con người thật của mình sau đám đông hoặc trang phục được biết đến là hành vi khuyến khích nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức thông thường. (Ảnh: ra2 studio/ Shutterstock)

Những chú hề và hội chứng đánh mất bản thân

Trong khi hầu hết các chuyên gia đều thể hiện cá tính của họ tại nơi làm việc, thì những chú hề lại làm điều ngược lại. Những người bán hàng, giáo viên, người phục vụ và chính trị gia thường thể hiện bản thân một cách cởi mở, cho phép mọi người đánh giá liệu họ có đáng tin cậy hay không. 

Khi những chú hề trang điểm sặc sỡ và mặc trang phục màu mè, họ trở nên khác biệt với những người bình thường. Bộ đồ chú hề thường lập dị và không cân đối. Cách trang điểm của họ có xu hướng che giấu hoàn toàn khuôn mặt và vòng một; chiếc mũi đỏ càng làm cho họ trở nên kỳ lạ hơn.

Một bộ trang phục như vậy che giấu hoàn toàn danh tính và cá tính của chú hề nên họ cũng có khả năng cư xử khác đi — và mọi người có thể cảm nhận được điều đó.

Một số người có thể đổ lỗi cho hình ảnh đáng sợ của những chú hề là do nhiều bộ phim, sách và các phương tiện truyền thông khác đã mô tả họ theo cách đó; nhưng đó có thể chỉ là sự phóng đại về cách các tác giả cảm nhận về những chú hề mà thôi.

Sự vô lý tuyệt đối về ngoại hình của một chú hề có thể gây ra sự phân biệt đối xử, không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về họ mà còn cả hành vi của họ. (Ảnh: Aaron of L.A. Photography/ Shutterstock)

Làm thế nào để đối phó với hội chứng đánh mất bản thân?

Tuy nhiên, những chú hề không phải là những người duy nhất đại diện cho hội chứng này. Trong một số tình huống, bất kỳ ai cũng có thể dễ bị “mất liên kết” với các giá trị cá nhân của họ. Nếu bạn từng cảm thấy như mình đã đánh mất chính mình sau một vẻ bề ngoài, thì rất có thể bạn đang phải đối mặt với hội chứng đánh mất bản thân.

Nhiều người cho rằng môi trường sinh sống hình thành nên tính cách của một người. Giống như những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình bị lạm dụng và bạo lực có nhiều khả năng trở nên lạm dụng và bạo lực hơn; hoàn cảnh xã hội có thể thúc đẩy một người làm những điều trái ngược với tính cách của họ dù hành động đó có thể bị coi là xấu xa.

Những thói quen không lành mạnh hoặc hành động phi pháp thường là kết quả của từ áp lực bạn bè. Mặc dù chúng ta có thể muốn nói “không” với điều gì đó đi ngược lại các giá trị của mình, nhưng trong lúc yếu lòng, áp lực của bạn bè có thể khó cưỡng lại. Vì lý do này, một nền tảng đạo đức tốt là cực kỳ quan trọng.

Để duy trì một tâm trí cởi mở, chân thành với chính mình và những người khác, hãy tìm kiếm những người bạn tốt và đọc những cuốn sách hay. Nếu quả thực bạn cảm thấy mình đang lạc lối, thì một con đường tu dưỡng cả tâm lẫn thân có thể là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra chương mới tốt lành hơn trong cuộc đời.



Nguồn bài viết