Dấu hiệu sớm ung thư dạ dày dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày



Những dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn sớm dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày. Ung thư dạ dày có thể chữa được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.


Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là những tổn thương tế bào ung thư xuất phát từ niêm mạc biểu mô phủ của niêm mạc dạ dày.

Triệu chứng ung thư dạ dày

Biểu hiện ung thư dạ dày là gì? Phần lớn triệu chứng của ung thư dạ dày phụ thuộc nhiều vào giai đoạn. Ở giai đoạn sớm phần lớn không có triệu chứng. Hoặc các triệu chứng thường nhầm lẫn với viêm dạ dày như:

– Cảm thấy đầy bụng sau ăn, mệt mỏi.

– Cảm thấy nhanh no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn khi có hẹp môn vị.

– Ợ nóng nhiều và thường xuyên.

– Khó tiêu tăng dần.

– Buồn nôn thường xuyên và không rõ nguyên nhân.

– Đau bụng thượng vị.

Những biểu hiện của viêm dạ dày rất dễ nhầm lẫn với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Do đó, việc khám tổng quát sức khỏe định kỳ và nội soi dạ dày là quan trọng để tầm soát và phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm.

Ở giai đoạn muộn hơn, khối u to và gây xuất huyết, bệnh nhân sẽ cảm thấy:

– Mệt mỏi

– Gầy sút cân

– Chán ăn

– Đôi khi có biểu hiện nôn, buồn nôn, nôn ra dịch xuất huyết hoặc đi ngoài phân đen.

Ung thư dạ dày có chữa được không?

Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể chữa trị được và có rất nhiều phương pháp điều trị. Tùy từng vào giai đoạn bệnh để lựa chọn cách điều trị. Nếu bệnh nhân may mắn tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm – là tình trạng ung thư chỉ tổn thương trên bề mặt và chưa có tình trạng di căn. Có thể chỉ định can thiệp nội soi nhằm loại bỏ vùng niêm mạc bị tổn thương ung thư. Khi loại bỏ khối u qua can thiệp nội soi, bệnh nhân không cần mổ và can thiệp hóa chất. Ngoài ra, có thể bảo toàn được ống tiêu hóa.

Ở giai đoạn muộn khi khối u đã xâm lấn sâu vào thành dạ dày hoặc có hạch di căn thì sẽ dùng phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật là lựa chọn đầu tay cho can thiệp bệnh nhân ung thư dạ dày. Có thể phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, cắt ¾ dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày kèm theo với nạo vét vét hạch lympho để tìm ung thư.

Bên cạnh đó việc phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng cắt một phần dạ dày có thể giảm nhẹ triệu chứng ở bệnh nhân ung thư tiến triển. Phẫu thuật cũng kèm theo những nguy cơ xuất huyết và nhiễm khuẩn. Nếu một phần hoặc toàn bộ dạ dày đã được cắt bỏ, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Sau khi phẫu thuật cần xem xét bệnh nhân còn hạch di căn không, thể giải phẫu bệnh là gì (kém biệt hóa/biệt hóa) để điều trị hóa chất kèm theo.

Một số trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ cân nhắc việc điều trị hóa chất trước. Nếu bệnh nhân đáp ứng khối u nhỏ lại, giai đoạn bệnh giảm xuống thì sẽ đánh giá và xem xét phẫu thuật. Nếu chưa thể phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị bằng các phương pháp khác như điều trị đích hay điều trị miễn dịch.

Nguy cơ và phòng ngừa ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dày hiện chưa quá rõ ràng ngoại trừ nguyên nhân mắc vi khuẩn HP. Trong trường hợp này, điều trị diệt trừ vi khuẩn HP ở một số bệnh nhân sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.


Dấu hiệu sớm ung thư dạ dày dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày - 1

Ung thư dạ dày có thể phát hiện sớm bằng nội soi tiêu hóa.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày

Một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày là gia đình. Tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày khiến nguy cơ mắc ung thư dạ dày có thể cao hơn tới 10 lần so với người bình thường.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt. Chế độ ăn nhiều muối, ủ chua, đồ hun khói, đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ xuất hiện những tổn thương ung thư ở đường tiêu hóa. Hay chế độ ăn ít chất xơ, lười tập luyện cũng là một những yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc.

Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ khác như:

– Viêm dạ dày mạn

– Thiếu máu ác tính

– Hút thuốc

– Có polyp dạ dày

Bởi vì không có nguyên nhân cụ thể của ung thư dạ dày. Vì vậy không có biện pháp nào ngăn ngừa hoàn toàn được nó. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày bằng những thay đổi nhỏ hằng ngày. Cụ thể như:

– Ăn nhiều hoa quả và rau.

– Luyện tập thể dục thể thao.

– Giảm lượng muối và đồ hun khói, đồ ủ chua trong khẩu phần ăn hàng ngày.

– Không hút thuốc.

– Cần tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-som-ung-thu-da-day-de-nham-lan-voi-viem-da-day-16923042014174…

Đau bụng dữ dội, nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo thủng dạ dày, tá tràng

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: ăn quá no, bỏ bữa, ăn khuya, ăn nhiều đồ cay nóng dễ khiến bạn bị thủng dạ dày.


Theo ThS.BS Trần Đức Cảnh (Sức khỏe đời sống)

Nguồn bài viết