Dạy con những thói quen tốt này còn đáng giá hơn cho con sự giàu có

Của cải đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái không phải là tiền bạc vật chất mà chính là giúp con hình thành những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ.

dạy con
Hành trang vững vàng cho tương lai là của cải quý giá nhất mà cha mẹ dành cho con trẻ. (Ảnh: takayuki/ Shutterstock)

Trong dân gian từng lưu truyền một câu chuyện như thế này: Có ba người cha nọ, không quản mưa nắng hàng ngày đều đến chùa cầu phúc cho con trai. Cuối cùng họ được phép lựa chọn một trong nhiều báu vật và mang về trao cho con trai của mình.

Người cha thứ nhất chọn lấy một chiếc bát bằng bạc có khảm đá quý, người thứ hai chọn lấy một cỗ xe dát vàng và người thứ ba chọn lấy một cây cung và tên làm bằng sắt.

Họ mang về và trao lại cho con trai của mình, thế nhưng sau đó không lâu thì đã xảy ra những tình cảnh thật trớ trêu. Người con được bát bạc ngày ngày ham ăn uống; người con được xe vàng thì luôn cao hứng và thích khoe khoang khắp nơi; còn người con trai được cung tên lại rất thích đi săn trong núi.

Sau nhiều năm, cả ba người cha đều qua đời. Người con có bát bạc vì chỉ ngồi không hưởng thụ nên cuối cùng đã phải lấy đá quý trong bát đem bán rồi sau một thời gian cũng đi ăn xin. Người con có xe vàng thì mỗi ngày bóc một ít vàng từ cỗ xe đem đổi lấy lương thực để sống qua ngày. Người con trai còn lại đã rèn luyện được kỹ năng săn bắn thành thạo, anh ta thường trở về nhà với những chiến lợi phẩm mà mình săn được, gia đình cũng có cơm ăn áo mặc.

Câu chuyện nghe thật đơn giản nhưng đã để lại cho người đời sau những cảm nhận và bài học đạo đức vô cùng sâu sắc.

Là cha mẹ, nếu chỉ để lại một số của cải vật chất cho con cái thì dường như những thứ đó sẽ không bền bỉ và tồn tại mãi mãi. Nhưng nếu cha mẹ thực sự có trách nhiệm với các con, ngay từ khi còn nhỏ đã trang bị cho con một hành trang đầy đủ những kỹ năng sống, những thói quen và những đức tính tốt đẹp thì đó mới thực sự là của cải đáng giá nhất. Vậy cha mẹ nên giúp con hình thành những thói quen tốt nào?

Hãy cho trẻ nhiều cơ hội hơn để thử. (Ảnh: NARONG JHANWATTANA/ Shutterstock)

1. Làm mọi việc có kế hoạch

Chỉ những người làm việc có kế hoạch mới chiếm được lòng tin và không rơi vào tình cảm bị động, nước đến chân mới nhảy. 

Có nhiều đứa trẻ trước mỗi kỳ thi đều cuống cuồng ôn tập, tuy nhiên đều không biết bắt đầu từ đâu vì lượng kiến thức khổng lồ. Sáng thức dậy đi học thì thường không tìm được đồ dùng cá nhân, có tiền thì tiêu xài phung phí đến khi cuối tháng thì không còn tiền để tiêu vặt. Khi nhận thấy con có thói quen xấu này, cha mẹ cần dạy con tầm quan trọng của việc lập kế hoạch.

Bạn cũng có thể để con tự sắp xếp lịch trình của ngày hôm sau trước khi đi ngủ và để con chép vào mẫu giấy ghi chú để dễ thực hiện.

Hãy phát triển thói quen tốt này, con chắc chắn sẽ được hưởng lợi suốt đời.

2. Biết điều và tử tế với người khác

Mọi người đều luôn mong muốn được gặp gỡ những khuôn mặt luôn tươi cười. Những người luôn xuất hiện trước người khác với một gương mặt rạng rỡ, với một nụ cười chân thành, thân thiện, bao dung và độ lượng, thì họ sẽ luôn được chào đón ở bất cứ đâu.

Cha mẹ nên dạy con cách nói năng và hành xử lễ phép. Chẳng hạn như trong cuộc sống hàng ngày con thường nói “xin chào”, “cảm ơn” và “xin lỗi”, hay sử dụng “làm ơn giúp tôi…bạn có thể giúp tôi được không?”. Về lâu dài, con sẽ gặt hái được một cuộc sống giàu có ý nghĩa bắt đầu từ sự lễ phép của mình.

3. Tự giác làm việc của bản thân

Điều trước tiên cha mẹ cần làm là buông tay con và để con hình thành thói quen “tự làm lấy việc của mình” cho đến khi con có thể học cách tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt là sau khi con vào tiểu học, thì vấn đề gọi con thức dậy, gấp chăn gối, thu dọn phòng, chuẩn bị cặp sách và những việc khác, bạn cũng không cần phải làm hết cho con.

Nhiều bậc cha mẹ sợ rằng khi giao việc cho con thì con sẽ quậy phá hay làm hỏng. Tuy nhiên thực tế là ai cũng sẽ bỡ ngỡ khi lần đầu làm một việc gì đó, đặc biệt là một đứa trẻ. Do đó bạn không cần lo lắng và hãy để cho con có thời gian được làm quen với mọi việc. Hãy cho con nhiều cơ hội hơn để thử sức, dần dần bạn sẽ thấy rằng khả năng của con vượt ngoài sức tưởng tượng của bạn.

Điều trước tiên cha mẹ cần làm là buông tay con và để con hình thành thói quen “tự làm lấy việc của mình” cho đến khi con có thể học cách tự chăm sóc bản thân. (Ảnh: myboys.me/ Shutterstock)

4. Không lấy đồ của người khác

Cha mẹ cần giúp con hình thành ý thức về quyền sở hữu và phân biệt ranh giới giữa mình và người khác. Nói với con: “Đồ của mình con có quyền sử dụng, nhưng không được lấy đồ của người khác. Muốn lấy đồ của người khác thì phải xin phép họ. Và tuyệt đối không được lén lút lấy hay ngang nhiên cướp giật chúng.”

Một số trẻ có thể lén lút lấy tiền của người lớn để mua đồ, và khi nhìn thấy đồ chơi của các bạn cùng lớp khác, trẻ có thể sẽ “thuận tay” mang về nhà. Điều này là do trẻ chưa nhận thức được quyền sở hữu tài sản, cha mẹ cần giúp trẻ tự chịu trách nhiệm trong việc này.

5. Tuân thủ thời gian

Sắp xếp thời gian sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý và đều đặn sẽ có thể nâng cao ý thức ngăn nắp của con. Điều này sẽ giúp con thiết lập được quan niệm về thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Nhưng việc có thể dạy con đúng giờ không phải là điều dễ dàng. Trong khi cha mẹ làm gương, thì có thể cố gắng đưa ra sáng kiến ​​​​cho con: “Sau 10 phút thì tắt TV và làm bài tập”, “Ngủ thêm 20 phút nữa thì hãy dậy khỏi giường.” Dần dần, con sẽ không còn kiểu tìm đủ mọi lý do để lười biếng nữa.

6. Giữ lòng khiêm tốn

Dạy cho con giữ lòng thành kính với Thần Phật, ông bà tổ tiên cũng như vạn vật cũng chính là dạy con sự khiêm tốn và tự ước thúc bản thân mình. (Ảnh: ANURAK PONGPATIMET/ Shutterstock)

Con cần học cách khám phá điểm mạnh của người khác và học hỏi. Bạn có thể nói với con rằng: “Mỗi người đều có ưu điểm của riêng mình. Chúng ta nên nhìn nhận những ưu điểm của người khác, và suy xét rằng liệu bản thân có thể làm được điều tương tự hay không?” Lúc này, việc duy trì tấm lòng khiêm tốn là vô cùng cần thiết. 

Dạy cho con giữ lòng thành kính với Thần Phật, ông bà tổ tiên cũng như vạn vật cũng chính là dạy con sự khiêm tốn và tự ước thúc bản thân mình.

7. Nhìn nhận về những sai lầm của bản thân

Đừng trách mắng khi con làm sai, mấu chốt là để con hiểu được sai lầm và rút kinh nghiệm. (Ảnh: polkadot_photo/ Shutterstock)

Con phạm những sai lầm trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như làm sai câu hỏi bài tập, lỡ tay làm bể ly nước..v.v đều là những chuyện bình thường. Làm sai như thế nào không phải là vấn đề, vấn đề là sau khi làm sai con phải tự nhìn lại bản thân, suy xét vấn đề mà tránh phạm lại sai lầm trong lần tiếp theo.

Khi con làm sai điều gì, bạn hãy bao dung và đừng trách móc con, bạn có thể hỏi: “Con có biết con đã làm sai điều gì không?” Sau khi con trả lời, lúc này hãy nghiêm túc thỏa thuận với con rằng: “Vậy lần sau chúng ta hãy ghi nhớ bài học này và không tái phạm nữa nhé?”

Trong học tập cũng vậy, khi con có phản xạ biết tổng kết kịp thời, biết nhìn nhận thiếu sót và bù khuyết, thì sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng mắc lỗi. Về lâu dài, điều này sẽ khắc phục lỗ hổng kiến ​​thức và tạo cho con một nền tảng vững chắc trong các môn học.

Vision Times tiếng Trung

Trúc Nhi biên tập



Nguồn bài viết