Đề xuất cơ chế đặc biệt đối với dự án cao tốc hơn 25.500 tỷ

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, UBND tỉnh Bình Phước (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư dự án) đề xuất Quốc hội thông qua 4 nhóm cơ chế chính sách đặc biệt đối với dự án.
Đề xuất cơ chế đặc biệt đối với dự án cao tốc hơn 25.500 tỷ
Mô phỏng dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông – vận tải.

var adpushup = window.adpushup = window.adpushup || {};
adpushup.que = adpushup.que || [];
adpushup.que.push(function() {
adpushup.triggerAd(“6c62eff9-729b-4f51-8c0e-93d0e608830f”);
});

Tại điểm cầu Bình Phước, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã báo cáo với Thủ tướng và các bộ, ngành về quá trình chuẩn bị cũng như tiến độ thực hiện các bước thủ tục cần thiết của dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án cao tốc này có chiều dài 128,8km nằm trong số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bình Phước sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để sớm lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Tờ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa – Chơn Thành, làm cơ sở để trình Quốc hội.

Về dự án cao tốc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông phối hợp với các bộ, ngành làm nhanh các thủ tục cần thiết. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành hỗ trợ Bình Phước trong thực hiện các thủ tục liên quan để khi Quốc hội thông qua thì có thể thực hiện ngay.

Đây là dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế chạy xe từ 100-120km/h. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 12.770 tỷ đồng.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, UBND tỉnh Bình Phước (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư dự án) đề xuất Quốc hội thông qua 4 nhóm cơ chế chính sách đặc biệt đối với dự án.

Cụ thể, về vốn đầu tư, tỉnh Bình Phước đề xuất chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và bố trí 1.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương cho dự án.

Đồng thời cho phép tạm ứng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 bố trí tham gia dự án thành phần 1 để thực hiện các dự án thành phần còn lại thuộc tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.

Về tổ chức thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Quốc hội giao tỉnh là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Cho phép tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 1 – xây dựng toàn tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành (không bao gồm hạng mục cầu, đường tránh trên tuyến).

Cho phép UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.

Về phương án đầu tư dự án, UBND tỉnh Bình Phước chia thành 5 dự án thành phần, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023-2026, xây dựng dự án từ tháng 10/2024 đến hết năm 2026, đưa vào vận hành khai thác từ tháng 1/2027.

Theo Hương Chi (Tiền Phong)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});