Làng tre Phú An là thành quả từ dự án xây dựng khu bảo tồn sinh thái tre được triển khai từ năm 1999 dựa trên ý tưởng của TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh. Dự án được khởi công từ năm 2004, bắt đầu mở cửa phục vụ khách tham quan và nghiên cứu khoa học vào năm 2008. Hiện nay, Làng tre Phú An là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất của Việt Nam và là khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh đầu tiên của Đông Nam Á. Tại đây, có đến hơn 200 mẫu cây tre sống được thu thập từ nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam và các quốc gia khác… Trong đó, có nhiều loại tre quý hiếm như cấy tép nứa, tre vuông, vàng sọc, mai, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp, Bambusa… Ngoài ra, làng tre còn có khu vực nghiên cứu trong nhà dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre thông qua hình ảnh, phim tư liệu.
Với mục đích nghiên cứu khoa học về sưu tập, bảo tồn tre, nâng cao giá trị cây tre Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Làng tre Phú An đã triển khai tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên trong và ngoài nước về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thông qua chương trình Lớp học xanh; chế tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường từ cây tre; tạo ra nơi tham quan cho cộng đồng, giúp tăng cường truyền thông về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Bước vào không gian xanh mát của Làng tre Phú An, Lan Anh có cảm giác như mình bước vào một thế giới rất đỗi hoang sơ, yên ả với từng làn gió nhẹ thổi qua, mang theo mùi tre thoang thoảng. Tiếng lá tre xào xạc cùng chim hót líu lo khiến Lan Anh có cảm giác mọi áp lực, mệt mỏi đều được xua tan hết. Nơi đây như tiếp thêm một nguồn năng lượng mới cho cô.
Trong buổi tham quan, Lan Anh có cơ hội được gặp gỡ TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch dự án Làng tre Phú An và được nghe cô giới thiệu về làng tre. Vừa đi, Lan Anh vừa chăm chú nghe cô Hạnh kể về lịch sử của làng tre, sự khác nhau của từng giống tre… Trong đó, thú vị nhất là chuyện về một cây tre vì có bề mặt nhẵn, bóng, mềm mịn với dáng đứng thẳng và cứng cáp nên được mệnh danh là “Hoa hậu Tre” ở nơi đây.
Cùng với đó, Lan Anh còn tham gia các hoạt động trải nghiệm tại làng tre. Cô cùng các em học sinh ngồi trong lớp học lắng nghe bài giảng của TS. Mỹ Hạnh về giá trị của cây tre trong việc bảo vệ môi trường, tập đi trên đôi cà kheo được làm từ chính những cây tre tại đây. Không chỉ vậy, Lan Anh còn được chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo khác từ tre như thúng, rổ, rá đến các món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt.
Đối với Lan Anh, du lịch sinh thái, hay còn gọi là du lịch xanh (hay du lịch có trách nhiệm) không chỉ mang đến những kỳ nghỉ tuyệt vời cho du khách mà còn có tác động tích cực đến môi trường thiên nhiên và sự phát triển của đất nước. Theo đó, du lịch sinh thái góp phần bảo tồn và phát triển bền vững bằng cách bảo vệ và phục hồi các loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Cuối cùng, thông qua chuyến trải nghiệm tại Làng tre Phú An, Lan Anh muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp: “Hãy sử dụng đồ tre thay thế đồ nhựa để góp phần bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ”.
Trong video “Giới thiệu điểm du lịch sinh thái quốc gia”, Hoa hậu Lan Anh đã tự tin trình bày bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Nhờ đó, cô dễ dàng truyền tải đến bạn bè quốc tế vẻ đẹp của địa điểm du lịch sinh thái đất nước, cũng như những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Thông qua các video được đăng tải trên trang Miss Earth, các chuyên gia quốc tế khác đều đánh giá cao các hoạt động, tình yêu và sự tâm huyết của Lan Anh dành cho môi trường. Trong đó, chuyên trang nổi tiếng Missosology đều đánh giá các video trước đó của Lan Anh bao gồm: “Giới thiệu bản thân”, “Giới thiệu danh lam thắng cảnh”, “Sáng kiến môi trường của quốc gia”, “Tuyên truyền vận động” vào Top 20 thí sinh thể hiện ấn tượng.