Kết cục buồn của hoàng tử châu Phi sống giữa hoàng gia Anh

Hoàng tử Ethiopia Alemayehu bị đưa tới Anh năm 7 tuổi, lớn lên cô độc giữa hoàng gia rồi qua đời vì bệnh tật, nhưng di hài vẫn chưa thể hồi hương.

Câu chuyện về hoàng tử trẻ người Ethiopia được chôn cất trong Lâu đài Windsor của Anh, cách quê hương hơn 8.000 km, vẫn được lưu truyền tới ngày nay và Điện Buckingham đang phải đối mặt với không ít áp lực khi từ chối trả lại di hài của hoàng tử.

Hoàng tử Dejatch Alemayehu là người thừa kế ngai vàng của vương quốc Abyssinia, nay được gọi là Ethiopia. Năm 1868, cha hoàng tử, hoàng đế Tewodros II, chỉ huy quân đội chiến với thực dân Anh. Trong trận Magdala, khi thất thế, ông đã tự kết liễu đời mình thay vì đầu hàng, biến ông trở thành anh hùng dân tộc Ethiopia.

Hoàng tử Dejatch Alemayehu khi còn nhỏ. Ảnh: Victoria and Albert Museum

Hoàng tử Dejatch Alemayehu khi còn nhỏ. Ảnh: Victoria and Albert Museum

Sau khi chiếm vương quốc Abyssinia và cướp phá hoàng cung, quân đội Anh đưa Hoàng tử Alemayehu về London. Mẹ của hoàng tử đi cùng con trai, nhưng bà đã chết trên đường. Hoàng tử Alemayehu đã phải đơn độc nơi xứ lạ khi vừa lên 7 tuổi.

Alemayehu được sĩ quan quân đội Anh Tristram Charles Sawyer Speedy chăm sóc. Speedy đã đưa Alemayehu đến Ấn Độ, sau đó đăng ký cho hoàng tử học tại các trường nội trú danh tiếng của Anh, trong đó có Rugby và cao đẳng quân sự Sandhurst.

Nữ hoàng Victoria, người đứng đầu chế độ quân chủ Anh lúc bấy giờ, cũng rất thích Alemayehu sau khi gặp hoàng tử tại nhà nghỉ mát của bà trên đảo Wight. Nữ hoàng trở thành người bảo trợ, chi trả học phí cũng như hỗ trợ tài chính cho hoàng tử.

Theo dữ liệu từ kho lưu trữ của Ủy ban Quản lý Bộ sưu tập Hoàng gia Anh, “Nữ hoàng rất quan tâm đến đứa trẻ” khiến “công chúng cũng chú ý đặc biệt đến hoàng tử mồ côi”.

Cháu gái nữ hoàng Victoria, công chúa Victoria, thậm chí vẫn nhớ từng chơi với hoàng tử Alemayehu tại Lâu đài Windsor khi hai người còn nhỏ.

Nhưng theo nhiều lời kể, dù sống giữa nhiều đặc quyền, hoàng tử Alemayehu vẫn phải đối mặt với nhiều năm đau khổ ở Anh. Các nhà sử học nói rằng hoàng tử bị phân biệt chủng tộc và cảm thấy “vô cùng bất hạnh” khi theo học tại Rugby và Sandhurst. Bên cạnh đó, yêu cầu được trở về Ethiopia của hoàng tử đã bị phớt lờ.

Hoàng tử Alemayehu qua đời năm 18 tuổi vì bệnh viêm màng phổi. Theo yêu cầu của Nữ hoàng Victoria, hoàng tử được chôn cất tại Nhà nguyện St. George ở Lâu đài Windsor. Trên văn bia của hoàng tử có viết: “Tôi là một người xa lạ và các bạn đã tiếp nhận tôi”.

Nhưng các câu chuyện về lòng tốt thời thực dân như vậy những năm gần đây đang bị đào xới lại. Dù cuộc viễn chinh của 13.000 binh sĩ quân đội Anh tới vương quốc Abyssinia ban đầu là nhằm giải cứu các con tin châu Âu bị vua Tewodros II giam giữ, sau khi giành chiến thắng, họ đã để tình trạng cướp bóc quy mô lớn diễn ra.

Phần lớn chiến lợi phẩm được chuyển đến các bảo tàng ở London. Nhiều người Ethiopia nói rằng Alemayehu là một hoàng tử bị “đánh cắp” khỏi quê hương từ khi còn nhỏ và chính phủ nước này đã yêu cầu Anh trả lại di hài của hoàng tử.

“Chúng tôi muốn di hài của hoàng tử trở lại với tư cách một một người Ethiopia, bởi Anh không phải là đất nước mà ông sinh ra”, Fasil Minas, chắt họ của hoàng tử Alemayehu, nói với BBC. “Việc ông bị chôn cất ở Anh là vô nghĩa và điều đó không đúng”.

Tác giả người Mỹ gốc Ethiopia Maaza Mengiste đã mô tả tình cảnh của hoàng tử Alemayehu là một “vụ bắt cóc” xuất phát từ “tâm lý kiêu ngạo của chủ nghĩa đế quốc”.

“Không có lý do gì để tiếp tục giữ thi hài của ngài. Hoàng tử đã trở thành một vật sở hữu, giống như những đồ vật thiêng liêng và có giá trị vẫn còn trong các viện bảo tàng hay thư viện Anh”, bà nhấn mạnh.

Điện Buckingham tuần qua đã gây chú ý khi từ chối một yêu cầu khác về việc đưa di hài Alemayehu về nước, lần này đến từ gia đình hoàng tử, với lý do quá trình khai quật có thể ảnh hưởng đến các ngôi mộ khác tại khu chôn cất.

“Rất khó có khả năng khai quật di hài mà không làm ảnh hưởng đến nơi an nghỉ của một số lượng đáng kể những người xung quanh”, Điện Buckhingham cho biết trong thông báo hôm 23/5, thêm rằng giới chức trách nhà thờ “rất đồng cảm với nhu cầu tôn vinh ký ức về hoàng tử Alemayehu” nhưng phải cân bằng điều đó với “trách nhiệm giữ gìn phẩm giá của những người đã khuất”.

Thông báo cho hay trong những dịp trước đó, Lâu đài Windsor vẫn tiếp nhận yêu cầu viếng thăm từ các phái đoàn Ethiopia và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Trong một bức thư gửi cho báo Washington Post, Bộ Ngoại giao Ethiopia gọi hoàng tử Alemayehu là “tù nhân chiến tranh”. “Chúng tôi tin rằng hoàng tử Alemayehu xứng đáng được chôn cất tại quê hương của mình”, bức thư có đoạn.

Đối với nhiều người dân Ethiopia, những thông điệp từ Điện Buckingham không thể bù đắp được quá khứ thuộc địa của Anh và những gì họ tin rằng hoàng tử Alemayehu đã phải chịu đựng. Kearyam Agegnehu Yideg, nhân viên kế toán tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, cho biết cô “rất đau lòng” khi yêu cầu đưa di hài hoàng tử về nước bị từ chối.

“Hoàng tử đã ra đi với trái tim tan vỡ”, cô nói. “Người ta vẫn giữ hoàng tử như một kỷ vật ngay cả khi ông đã chết”.

Ngay cả Nữ hoàng Victoria trong một đoạn nhật ký vào năm 1879 dường như cũng thừa nhận về tình cảnh cô đơn của hoàng tử Alemayehu.

“Rất đau buồn và bàng hoàng khi nhận được điện báo rằng Alamayou tốt bụng đã qua đời sáng nay. Thật đáng buồn! Một mình trên đất nước xa lạ, không một người thân thích nào…. Tất cả đều tiếc thương”, bà viết.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)


Nguồn bài viết