Kỷ luật hai cán bộ để di tích Quan Thánh bị xâm hại

Thanh HóaUBND thành phố đã khiển trách hai cán bộ phường An Hưng do để di tích quốc gia đền Quan Thánh bị sơn vẽ, đục phá.

Theo quyết định ngày 28/12, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch phường An Hưng và ông Ngô Sỹ Thế, cán bộ văn hóa phường, bị khiển trách.

Tập thể Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường An Hưng, bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, lập phương án khắc phục sai sót.

Chủ tịch TP Thanh Hóa cũng phê bình 6 cá nhân là lãnh đạo các phường, phòng ban chức năng qua nhiều thời kỳ.

Đền Quan Thánh 300 tuổi bị sơn vẽ gây biến dạng di tích gốc. Ảnh: Lê Hoàng

Đền Quan Thánh 300 tuổi bị sơn vẽ gây biến dạng. Ảnh: Lê Hoàng

Theo lý giải của UBND phường An Hưng, tình trạng sơn vẽ lên đền Quan Thánh xảy ra trước năm 2013 nên thuộc trách nhiệm của UBND xã Đông Hưng và thị trấn Nhồi (nay sáp nhập là phường An Hưng). Giữa năm 2019, tiếp tục xảy ra tình trạng sơn lên di tích, thời điểm này thuộc trách nhiệm của UBND phường An Hoạch cũ (hiện sáp nhập, đổi tên thành phường An Hưng).

Tình trạng lấn chiếm và cấp đất trọng phạm vi di tích cho người dân thuộc trách nhiệm của lãnh đạo xã Đông Hưng.

UBND phường An Hưng chỉ nhận trách nhiệm quản lý di tích không tốt, để xảy ra việc khoan đục, vít thanh sắt vào làm hư hỏng một chữ Hán cổ trên tấm bia vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, lãnh đạo phường này lại cho rằng thời điểm đó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền tập trung phòng chống dịch nên công tác quản lý, giám sát không được thường xuyên.

Đền Quan Thánh nằm trên vách núi cheo leo. Ảnh: Lê Hoàng

Đền Quan Thánh nằm trên vách núi cheo leo. Ảnh: Lê Hoàng

Đền Quan Thánh nằm ở sườn phía đông núi An Hoạch (phường An Hưng, TP Thanh Hóa), cùng với bốn di tích khác gồm Lăng Quận Mãn, hòn Vọng phu, đền Thượng, chùa Tiên Sơn hợp thành cụm di tích lịch sử An Hoạch, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.

Tương truyền, đền Quan Thánh được đô đốc Lê Trung Nghĩa sống dưới thời Lê Trung Hưng (1533-1789) chỉ huy xây dựng khi làm quan Tổng trấn Thanh Hóa. Trên vách đá phía cửa tiền và cửa hậu được chạm khắc rất nhiều tượng voi đá, ngựa đá và một số quan quản tượng hay giám mã. Trong động có bức phù điêu rộng khoảng 2,5 m, cao 1,5 m, khắc chân dung Quan Công và nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Phía ngoài đỉnh động có bốn chữ Hán cổ “Thiên cổ Vĩ nhân”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, điêu khắc đánh giá, đền Quan Thánh là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Với hệ thống bia, tượng và phù điêu cổ được chạm khắc công phu, tinh xảo đây là một trong những di tích điêu khắc đá quý giá bậc nhất Việt Nam hiện nay, không nơi nào có được.

Tuy nhiên, gần đây di tích này bị xâm hại, các tấm bia khắc trên vách núi và hệ thống 8 tượng quan phía trong và ngoài cùng hai tượng linh vật (voi, ngựa) đã bị tô vẽ, phun phủ sơn công nghiệp. Một tấm bia niên đại Cảnh Hưng 47 (kích thước 70×80 cm) bị khoan, đóng đinh sắt vuông vào giữa hai hàng chữ Hán, làm nứt vỡ một phần mặt bia, mất đi một số ký tự cổ…

Phần lớn diện tích quanh di tích núi An Hoạch đang bị 8 hộ dân lấn chiếm xây nhà ở hoặc xưởng sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ…

Nguồn bài viết