Cải bó xôi là một trong những loại rau ăn lá giàu dinh dưỡng được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn uống lành mạnh. Loại rau này ít đường, ít calo nhưng chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất. Ăn sống hay nấu chín đều cho những món ngon, bổ dưỡng.
Lợi ích của cải bó xôi mà bạn không nên bỏ qua
Bổ sung dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe
Lợi ích của cải bó xôi đầu tiên phải kể đến hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú. Ăn cải bó xôi hợp lý giúp bạn tiêu thụ những dưỡng chất này một cách tự nhiên, an toàn và hiệu quả.
Theo ước tính, một nắm cải bó xôi (tương đương khoảng 30g) chứa rất ít năng lượng, chỉ khoảng 6,9 calo và 1,09 carbohydrate. Tuy nhiên, nó lại cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin có lợi.
– Protein: 0,86g
– Sắt: 0,81g
– Chất xơ: 0,66g
– Kali: 167mg
– Magie: 23,7mg
– Folate: 58,2 mcg
– Vitamin K: 145 mcg
Ngoài ra, giá trị dinh dưỡng của cải bó xôi còn thể hiện ở các thành phần khác như vitamin A, B6, C, E, mangan, đồng, kẽm, phốt pho và riboflavin…
Cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể
Carbohydrate trong cải bó xôi chủ yếu có nguồn gốc từ chất xơ, vì vậy nó đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, điển hình là hỗ trợ quá trình hấp thu dinh dưỡng và tiêu hóa thức ăn. Loại rau này không những tốt cho tiêu hóa mà còn giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Tiêu thụ chất xơ từ thực vật có thể giảm nguy cơ táo bón và nhiều bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh tuyến giáp… Đây là lý do mà các chuyên gia khuyến cáo bạn nên bổ sung cải bó xôi vào thực đơn hằng ngày của gia đình.
Tăng cường chất chống oxy hóa
Phytochemical và hoạt tính sinh hoạt có trong cải bó xôi hỗ trợ cơ thể tiết ra hormone, giúp bạn có cảm giác mau no và no lâu hơn nên kiểm soát được lượng calo tiêu thụ. Các chất này còn có tác dụng chống oxy hóa, ngừa viêm nhiễm và thúc đẩy trao đổi chất.
Nghiên cứu cho thấy, ăn cải bó xôi sống có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tiểu đường, cholesterol cao và cả ung thư. Lợi ích của cải bó xôi còn ở thành phần lutein, chất này giúp tăng cường sức khỏe của mắt (giảm đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng).
Chế biến và ăn cải bó xôi thế nào để tăng giá trị sức khỏe?
Một số nghiên cứu cho rằng ăn cải bó xôi non còn sống sẽ giải phóng nhiều lutein hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng cả lá già của loại rau này để chế biến nhiều món ngon, bổ dưỡng khác.
– Trộn cải bó xôi với các loại rau quả khác như cà rốt, cà chua, rau diếp, ớt ngọt… tạo thành món salad tươi ngon.
– Lá cải bó xôi xắt nhỏ giúp bổ sung dinh dưỡng và mang lại hương vị đậm đà hơn cho các món canh, súp, hầm.
– Cải bó xôi xào với tỏi, gừng và hành tây cũng là lựa chọn lý tưởng. Bạn cũng có thể xào mì với cải bó xôi.
– Trứng chiên trộn cải bó xôi giúp món ăn ít ngán và giàu chất xơ.
– Bạn có thể làm món rau hấp hỗn hợp từ cải bó xôi và cải xoăn, cải rổ, cải xanh.
Không chỉ làm món ăn mà cải bó xôi còn có thể chế biến thức uống lành mạnh như sinh tố, nước ép. Bạn nên kết hợp loại rau giàu dinh dưỡng này với nhiều nhóm thực phẩm khác để đảm bảo sự cân bằng và tốt cho sức khỏe toàn diện.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng cải bó xôi cũng cần có cách sử dụng hợp lý. Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ vì vitamin K có trong cải bó xôi có thể tương tác với một số loại thuốc.
Ngoài ra, ăn quá nhiều cải bó xôi có thể gây chướng bụng, đầy hơi và khó hấp thu canxi, magie. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống khoa học từ bất cứ loại thực phẩm nào.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi ích của cải bó xôi, đem lại cho gia đình những bữa ăn phong phú, thơm ngon và bổ dưỡng.
Thiên Khuê (Theo Health)