Lội suối bắt ếch đá

Quảng NamSau bốn tiếng lội suối khiến bàn chân trắng bệnh, ông Bửu bắt được 3 kg ếch đá mang về cho người thân, số ít bán 180.000-200.000 đồng/kg.

Ngày cuối tháng 2, tại xã miền núi Tam Sơn, huyện Núi Thành, các con suối bắt đầu cạn nước. Ếch đá cũng xuất hiện nhiều hơn. Trời chập tối, ông Doãn Bá Thái Bửu, 48 tuổi, cùng một thanh niên gắn đèn pin lên đầu, mang theo túi rồi chạy xe máy đến cánh rừng cách nhà khoảng 5 km để bắt ếch đá.

Lội suối bắt ếch đá

Soi đèn bắt ếch trong rừng. Video: Sơn Thủy

Tới khe suối nước chảy quanh năm, ông Bửu dừng xe máy, bật đèn pin tỏa sáng một vùng. Ban ngày ếch trốn trong hang, hốc đá, dưới tán rừng nên gọi ếch đá. Tối xuống, chúng ra những bãi đá ẩm ướt tìm thức ăn.

Ếch đá không to như ếch sống ở đồng ruộng, bờ ao hay được nuôi nhốt, chỉ nặng 50-150 gram. Chúng có hai loại, một loại nhiều màu sắc, thân hình giống con nhái. Một loại lớn hơn đen sẫm, da xù xì.

Ánh đèn chiếu vào, mắt ếch có đốm đỏ, khác nhiều loài như nhái, chão chuộc, cóc mắt màu xanh. Thấy con mồi, ông Bửu dùng tay chụp. Những con nằm ở cửa hang, thấy ánh sáng chui vào, ông phải gỡ đá, thò tay vào mới bắt được.

Men theo khoảng 200 m bờ suối nước ngập đến đầu gối, phía trên cây cối rậm rạp, ông Bửu bắt được 5 con ếch và nhiều cua, ốc. 15 năm đi bắt ếch đêm, những đoạn suối có nhiều ếch ông thuộc như lòng bàn tay.

Một con ếch đá nằm bên bờ suối. Ảnh: Sơn Thủy

Một con ếch đá nằm bên bờ suối. Ảnh: Sơn Thủy

Kết thúc công việc lúc 23h, mồ hôi ướt đẫm áo, bàn chân trắng bệnh do lội nước, ông Bửu bắt được gần 3 kg ếch. Sáng ra, ếch được chế biến thành nhiều món ăn trong gia đình, số còn lại chia cho người thân và bán giá 180.000-200.000 đồng/kg. Những người như ông Bửu không đặt nặng mục tiêu tiền bạc, chủ yếu bắt ếch về làm thức ăn và tặng người thân.

Cũng tại xã Tam Sơn, cách chỗ ông Bửu khoảng 5 km, ông Phạm Giang, 44 tuổi, vào rừng soi đèn bắt ếch. Từ 19h đến 23h, ông bắt được 2 kg ếch đá. “Sau những ngày nắng kéo dài, nếu có trận mưa lớn sẽ bắt được nhiều hơn. Trong rừng có nhiều vũng nước đọng, ếch kéo đến, có hôm tôi bắt hơn 10 kg”, ông nói.

Theo ông Giang, trước đây rừng xã Tam Sơn có nhiều ếch núi, kêu inh ỏi cả đêm. Từ khi chúng trở thành món ăn đặc sản, nhiều người tìm bắt nên bị suy giảm. Muốn bắt ếch đá, ông Giang phải đi vào khu rừng sâu, ít người đến.

Ếch đá bắt được cho vào túi lưới đựng cùng với ốc và cua. Ảnh: Sơn Thủy

Ếch đá bắt được cho vào túi lưới đựng cùng với ốc và cua. Ảnh: Sơn Thủy

Công việc bắt ếch gặp không ít rủi ro, ông Bửi, ông Giang phải đi qua nhiều ghềnh thác, không cẩn thận sẽ bị trơn trượt rơi xuống vực, té ngã. Dọc đường đi, mắt chăm chú nhìn ếch, chân có thể dẫm nhiều cây gai nhọn cứa chảy máu. Nguy hiểm nhất là gặp côn trùng, rắn độc, nếu không để ý dễ bị chúng cắn.

Hơn 10 năm chuyên bắt ếch đá, ông Giang nói nhìn đơn giản nhưng đi bộ leo núi, chui rúc dọc suối, cây rậm mấy tiếng nên rất mệt. “Ếch chỉ bán khi bắt được số lượng lớn. Loại này không sợ ế, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”, ông kể.

Thịt ếch đá dai, thơm và ngon hơn nhiều so với ếch đồng, được chế biến thành nhiều món như xào lăn, nấu cháo, nướng.

Sơn Thủy

Nguồn bài viết