Mẹ ơi, con sai rồi…

Trong những ngày Tết Nguyên đán, theo quy định, 98 phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được nghỉ lao động. Ban giám thị Trại phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động như thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, văn nghệ… để phạm nhân vui Tết, đón Xuân.

Trong không khí mùa Xuân đang đến, cán bộ quản giáo tâm lý thắp thêm hương trầm ở khu sinh hoạt chung, khiến không khí Tết càng chân thực hơn, giữa nơi đang ngăn cách với cuộc sống tấp nập, vui vẻ ở ngoài kia.

Đón Tết ở tù: Mẹ ơi, con sai rồi... - Ảnh 1.

Phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An trang trí cành đào đón Tết.

Mùi hương trầm thoang thoảng cũng khiến Đoàn Văn Thơm (34 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhớ nhà, các con hơn. “Không biết vợ em có mua được cho các con tấm áo mới không chị ạ. Em nhớ thằng út quá, nó mới 3 tuổi thôi. Hồi em ở nhà, nó quấn em nhất. Đợt đó em bị gãy chân, ở nhà trông nó suốt”, Thơm nghèn nghẹn.

Vợ chồng Thơm từng là công nhân ở Bình Dương, tằn tiện, chắt góp cũng đủ nuôi 3 đứa con. Dịch Covid-19 hoành hành, vợ chồng Thơm dắt díu nhau về quê tìm việc mới, thu nhập thấp hơn nhưng bù lại vợ chồng, con cái gần nhau. Rồi Thơm bị ngã, gãy chân, phải ở nhà trông con. Mọi chi tiêu trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ, khó càng thêm khó. Vậy mà Thơm lại gây ra chuyện tày đình…

“Em bị bắt vì tội đánh bạc. Cứ nghĩ đánh vui vui thôi, lúc đầu thì năm, mười nghìn, đến lúc “say” lên thì vài chục đến cả trăm nghìn/ván”, Thơm trải lòng. Nhờ thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên Thơm bị tuyên phạt 6 tháng tù giam. Thơm đi tù, vợ cũng nghỉ việc để lo cho 3 đứa con. Hàng tháng, vợ Thơm gom góp được ít đồng lại gửi con bắt xe buýt vào thăm chồng.

Đón Tết ở tù: Mẹ ơi, con sai rồi... - Ảnh 2.

Đoàn Văn Thơm chăm sóc luống hoa trong khuôn viên trại giam những ngày Tết để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con.

“Hồi trước Tết Dương lịch, cô ấy đưa con gái đầu 7 tuổi vào thăm bố. Nhìn vợ con, em ứa nước mắt chị ạ. Em nói cô ấy không phải vào nữa, cũng đừng gửi gì cho em, để tiền ấy mà lo cho các con. Không biết Tết này cô ấy có mua cho các con được tấm áo mới không? Vào đây “thấm” lắm rồi, thương vợ, thương con bao nhiêu thì ân hận bấy nhiêu. Em làm khổ vợ con nhiều quá…”, ông bố 3 con nghẹn ngào.

20 tháng Giêng này sẽ hết án, Thơm nói lần này về sẽ cố gắng không bao giờ phải đón Tết trong cảnh này nữa. Tôi tin là Thơm nói thật lòng!.

Trong khi các phạm nhân khác hào hứng tham gia các trò chơi thì Trần Quốc Hùng (quê Diễn Châu, Nghệ An) lại tư lự, ngồi nhìn mông lung ra cửa sổ. Hùng mới chuyển sang thi hành án được một tháng và đây là cái Tết đầu tiên phải xa bố mẹ trong suốt 20 năm qua. Dẫu tỏ ra cứng rắn đến đâu Hùng cũng khó kìm được lòng mình.

Đón Tết ở tù: Mẹ ơi, con sai rồi... - Ảnh 3.

Các phạm nhân tham dự bữa cơm tất niên tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.

Hùng là con một trong gia đình có bố mẹ làm kinh doanh. Cuộc sống của Hùng là niềm mơ ước của nhiều người khi bố mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, thích thể hiện mình, lại giao du với đám bạn xấu nên Hùng phạm sai lầm.

“Em phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tuổi trẻ mà chị, em theo bạn bè đi đòi nợ, vì sĩ diện và máu “yêng hùng”, cứ nghĩ thế là oai. Bố mẹ không biết những việc em làm đâu, em giấu cũng kỹ, nên khi con bị bắt thì sốc lắm”, Hùng kể.

Đón Tết ở tù: Mẹ ơi, con sai rồi... - Ảnh 4.

Trần Quốc Hùng và phút lắng lòng trong những ngày Tết với nỗi day dứt về mẹ, về một câu xin lỗi chưa được nói ra…

Một tháng ở tù đối với Hùng là quãng thời gian dài bằng cả năm trời cộng lại. May mắn, bố mẹ và các cán bộ quản giáo luôn quan tâm, động viên để Hùng yên tâm cải tạo, tin tưởng vào sự khoan hồng của pháp luật. Sự yêu thương vô điều kiện của bố mẹ càng khiến Hùng day dứt, hối hận về lỗi lầm, về nỗi buồn mình gây ra…

“Chị có thể giúp em chuyển lời tới mẹ không?. Hôm xử án mẹ em khóc nhiều lắm mà em không nói được gì với mẹ cả. Em thương và có lỗi với mẹ nhiều quá. Nhờ chị nói với mẹ là: “Mẹ ơi, con sai rồi. Con xin lỗi mẹ!. Bố mẹ là hãy tin con, con sẽ gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về”, Hùng nói.



Nguồn bài viết