Một bé 5 tuổi được Quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lên đến hơn 4,1 tỷ đồng

Theo BHXH Việt Nam, năm 2022 toàn quốc có 64 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng. 

Còn quý 1/2023 có 99 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 500 triệu đồng (trong đó, có 08 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng). 

Một số trường hợp được chi trả chi phí cao nhất từ năm 2022 đến hết quý 1/2023, cụ thể như sau:

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất 4,1 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả thứ 2 trên 3,5 tỷ đồng: mã thẻ TE1424217XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ: xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa tyrosine”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả thứ 3 gần 3,5 tỷ đồng: mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hoá Glycogen typ 2 (Bệnh Pompe)”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 gần 3,1 tỷ đồng: mã thẻ TE1242422XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.

Một bé 5 tuổi được Quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lên đến hơn 4,1 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… (Hướng dẫn người bệnh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh CTV)

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. 

Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… 

Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… 

Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT. 

Ngoài ra, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng được mở rộng với 17,5 triệu người tham gia BHXH tính hết năm 2022. 

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); 

Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần).

Người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo kịp thời. 

Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, đã có khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN. 

Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của cả nước khoảng 3,3 triệu người. 



Nguồn bài viết