Ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu đen: 1 trong 3 bệnh nhân tiên lượng rất nặng

Sau khi ăn sâu ban miêu chiên được khoảng 20 phút, cả 3 người đàn ông cùng bị đau bụng, nôn và nôn ra máu, khó thở, tiểu buốt, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi… Sau 5 ngày điều trị, người đàn ông 38 tuổi tiên lượng vẫn rất nặng.

Sâu ban miêu do người nhà bệnh nhân mang đến bệnh viện. (Ảnh: Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Lạng Sơn/Facebook).

Ngày 30/5, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết trung tâm này vẫn đang tiếp tục điều trị cho 3 ca ngộ độc sâu ban miêu tại Lạng Sơn.

Trước đó, khoảng 0h10 ngày 26/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng kích thích vật vã, đau nhiều vùng hạ vị và hai bên thắt lưng; nôn ra máu; phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi, nước tiểu đỏ, ít.

Người nhà của bệnh nhân cho biết trước khi vào viện 6 giờ, 3 người đã ăn sâu ban miêu chiên. Khoảng 20 phút sau khi ăn, cả 3 người xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn và nôn ra máu, khó thở, tiểu buốt, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi…

Sau khi xét nghiệm, cùng với nhận dạng côn trùng người nhà bệnh nhân mang đến, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc do ăn sâu ban miêu, suy đa tạng.

Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ ngộ độc của Bộ Y tế. Các bác sĩ đã hội chẩn trực tiếp với các chuyên gia Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, thống nhất chuyển 3 người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

Bác sĩ Nguyên cho hay trong 3 người, bệnh nhân N.V.K. (SN 1985, quê Hưng Yên) – người ăn nhiều nhất (4 con sâu ban miêu) hiện tiên lượng vẫn rất nặng.

Bệnh nhân K. khi được chuyển tới có các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, đau rát họng-miệng, suy thận, tiểu ra máu, tổn thương nhiều tạng (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương cơ, tổn thương tim, tụt huyết áp-sốc, rối loạn đông máu và tiểu cầu). Hiện bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu và phải thở máy.

Hai bệnh nhân khác ăn ít hơn, sau 5 ngày điều trị tình trạng đang ổn định và dần hồi phục.

Theo bác sỹ Nguyên, sâu ban miêu có thân màu đen hoặc có các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt với dải ngang màu đen. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc, nguy kịch do ăn sâu ban miêu. Ngoài ra, một số trường hợp còn nhầm sâu ban miêu với bọ xít, dẫn đến tình trạng ngộ độc.

“Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp… và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Chỉ cần 1mg cantharidin vào cơ thể đủ để gây ngộ độc, 10mg sẽ khiến nạn nhân tử vong. Theo đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, người dân cần rửa vùng bỏng rát bằng nước sạch và nhanh chóng đến ngay bệnh viện.

Trong y tế, sâu ban miêu được ứng dụng trong một số bài thuốc y học cổ truyền, song vì độc tính cao nên các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân không nên tự ý thu bắt và sử dụng. Hiện y khoa thế giới chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho trường hợp ngộ độc sâu ban miêu. Quá trình điều trị thực tế tùy thuộc vào cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của bệnh viện và tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Sơn Nguyên



Nguồn bài viết