Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ hiện đã mang về 42 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tuần công chiếu. Đây hẳn là tín hiệu khá tích cực cho một bộ phim được đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh lẫn bối cảnh, khi ê-kíp của đạo diễn Victor Vũ không ngần ngại xây dựng bối cảnh làng quê Bắc Bộ, trên nền phong cảnh hữu tình của Hồ Ba Bể.
Nội dung phim kể về Linh (Kaity Nguyễn) – cô gái có thân phận nghèo hèn bị ép phải làm vợ lẽ Quan tri huyện (NSƯT Quang Thắng). Linh liên tục bị hành hạ, bắt phải làm lụng vất vả, sống như người hầu, cho đến khi gặp lại Nhân (Thuận Nguyễn) – người mình đã từng rất yêu thương, cô gái nhỏ bé mới có sự vùng lên và đấu tranh để giành lại hạnh phúc. Phim còn có sự tham gia của hai gương mặt nổi bật, đó là NSƯT Kim Oanh trong vai mợ cả và Đinh Ngọc Diệp trong vai mợ hai.
Người vợ cuối cùng là một phim “sạch” và an toàn của Victor Vũ nhưng tại sao lại khiến nhiều người nuối tiếc như vậy?
Chưa có sự thống nhất trong cách thể hiện
Có thể hình dung Người vợ cuối cùng là câu chuyện bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên bộ phim lại chưa có sự thống nhất trong cách thể hiện. Mở đầu là giọng kể của nhân vật Linh với nét gì đó khá hài hước, châm biếm và dễ làm người ta liên tưởng tới một bộ phim hài hơn là bi kịch.
Hai nghệ sĩ miền Bắc là Quang Thắng và Kim Oanh dù có màn thể hiện tương đối ổn, nhưng giá như cải hai có thể làm làm “thoát” triệt để hình ảnh của những diễn viên hài được yêu mến, để tập trung lột tả sự tàn ác của kẻ phản diện, chắc chắn sẽ khiến bộ phim thêm phần cảm xúc. Tiếp đến, là phim cổ trang nhưng đôi khi phim vẫn sử dụng nhiều ngôn ngữ hiện đại – điều này có thể là “dao hai lưỡi”, bởi có thể tiếp cận được đa số khán giả, nhưng cũng khiến một số người cảm thấy có phần khó chịu.
Lời dẫn chuyện ban đầu của nhân vật Linh có vẻ không hợp lý lắm |
Tuy nhiên dưới vị trí của Victor Vũ, cũng nên thông cảm, vì thế nào đây cũng chỉ là một câu chuyện hư cấu, anh khó thể làm kiểu quá “nghiêm túc”, như vậy sẽ không thể đảm bảo sự thu hút cho một bộ phim thị trường.
Câu chuyện có phần bị cũ, nhân vật không logic trong suy nghĩ
Đáng tiếc với bối cảnh như vậy, Người vợ cuối cùng hoàn toàn có thể mang tầm vóc thời đại hơn, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở một câu chuyện ngôn tình mang màu sắc ngược tâm, qua những câu thoại có phần cũng hơi “sến”. Bộ phim dễ làm người xem nhớ tới câu chuyện Vợ chồng A Phủ nhưng sự phản kháng và thay đổi tư tưởng nhân vật mới chỉ dừng lại ở mức “cho có” và chưa nặng tính thuyết phục.
Chuyện tình của hai nhân vật chính có vẻ không nhiều đổi mới |
Nhân vật Linh được mô tả như một cô gái có hiếu, sẵn sàng bán mình chuộc cha nhưng khi gặp lại người mình yêu, cô lại không nghĩ gì tới cha mẹ mà cam tâm bỏ trốn? Nhân vật Nhân từng nói với Linh rằng anh biết một nơi thiên nhiên trù phú, có thể lẩn trốn được vậy tại sao trước đây anh ta không ở đó mà phải trở về làng sống cảnh buôn bán lam lũ?
Giá như thêm một chút yếu tố trinh thám
Phần đông khán giả đều cho rằng, từ lúc phim xuất hiện viên thám tử Kiên (Quốc Huy), phim mới có thêm sự hấp dẫn. Phong thái điềm tĩnh, ánh mắt sắc sảo của nhân vật này quả thực rất cuốn hút người xem. Thông qua nhân vật này, dường như khán giả đều hiểu Victor Vũ vẫn luôn ẩn chứa thế mạnh về trinh thám và suy luận, thế nên giá như bộ phim có thêm một chút yếu tố về phá án, hẳn sẽ tạo nên nhiều điểm nhấn. Nhiều khán giả cũng cho rằng, nếu Victor Vũ làm một phim ngoại truyện về thám tử Kiên, chắc chắn sẽ rất hút khán giả.
Nhân vật của Quốc Huy mang lại khá nhiều ấn tượng |
Bạn nghĩ sao về phim Người vợ cuối cùng?