Nội bộ Mỹ tranh cãi về mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine

Washington đang gửi cho Kiev những vũ khí ngày càng uy lực, tiêu biểu như xe tăng Abrams, nhưng một số quan chức vẫn chưa hài lòng.

Hồi tháng 1, cả Washington dường như xoay quanh câu hỏi liệu Mỹ và châu Âu có gửi xe tăng cho Ukraine hay không. Họ có nên làm vậy không? Tại sao lại không làm vậy? Có quá mạo hiểm hay không? Hay điều gì khiến họ mất thời gian như thế?

Cuối tháng đó, Mỹ tuyên bố gửi xe tăng hiện đại Abrams cho Kiev và Đức nhất trí gửi xe tăng Leopard, mở đường cho các đồng minh châu Âu khác gửi xe quân sự.

Điều tương tự từng diễn ra xoay quanh quyết định gửi pháo phản lực HIMARS cho Ukraine vào năm ngoái. Nó phơi bày các cuộc tranh luận kéo dài về viện trợ vũ khí gây sát thương ở Mỹ.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết 47 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Giới quan sát cho rằng nhiều cuộc tranh luận về vũ khí có thể khiến Mỹ phải thận trọng và cân nhắc nhiều hơn.

Quân nhân Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin được giao theo gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tại sân bay Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Quân nhân Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin được giao theo gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tại sân bay Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Cho tới đầu năm 2022, hầu hết chuyên gia nói họ không bao giờ nghĩ Mỹ sẽ gửi xe tăng Abrams cũng như hệ thống HIMARS cho Kiev. Song chính quyền ông Biden đã đi theo lộ trình khá cẩn trọng. Mặc dù tích cực ủng hộ Ukraine, họ muốn tránh chuyển những loại vũ khí có thể khiến căng thẳng với Nga leo thang thành xung đột hạt nhân, trong khi vẫn tạo đà để các đồng minh châu Âu khác duy trì hỗ trợ Ukraine.

“Tránh chiến tranh toàn diện là điều kiện tiên quyết. Quyết định gửi cho Ukraine một số loại vũ khí nhất định cho thấy mục tiêu này”, Jonathan Guyer, nhà phân tích của Vox, viết.

Mỹ đã chuyển cho Ukraine hệ thống HIMARS nhưng chỉ cho phép họ sử dụng quả đạn tầm bắn 80-90 km. Trong khi đó, Kiev muốn Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm bắn 300 km, có thể phóng từ pháo HIMARS. Mỹ từ chối vì lo ngại Ukraine có thể dùng nó để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Moskva và Washington.

Mỹ cũng đã cân nhắc rất lâu trước khi quyết định chuyển xe tăng cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi viện trợ xe tăng từ những tháng đầu tiên xung đột. Ban đầu, ý tưởng này được cho là xa vời và có thể khiến leo thang căng thẳng với Nga. Mỹ cũng lo ngại lực lượng vũ trang Ukraine không thể sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả và sẽ mất ít nhất một năm để chuyển giao.

Trong suốt mùa thu năm ngoái, ông Zelensky tiếp tục kêu gọi thông qua truyền thông Mỹ và trong chuyến thăm Washington. Hồi tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã trao đổi kín rằng Berlin sẽ chỉ gửi xe tăng Leopard khi Mỹ đồng ý chuyển Abrams.

Tuy nhiên, Colin Kahl, người phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 1 nói rằng xe tăng Abrams quá phức tạp để cung cấp cho Ukraine. “Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thể làm điều đó”, ông nói khi trở về từ chuyến thăm Kiev. Lầu Năm Góc cũng cho rằng những chiếc xe tăng này không tạo ra khác biệt lớn cho Ukraine trên chiến trường.

Nhưng cuối cùng, khi chiến sự Ukraine đang bế tắc và giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Donbass, chính quyền ông Biden đã thay đổi lập trường. Ngày 21/3, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch đẩy nhanh tiến trình chuyển giao xe tăng.

Nhiều người vui mừng trước quyết định của Mỹ, song một số người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine vẫn chưa hài lòng. Các cựu lãnh đạo quân sự và nhiều lãnh đạo an ninh quốc gia kêu gọi tăng cường gửi hoặc sản xuất thêm vũ khí như tên lửa tầm xa. Họ tin rằng Ukraine cần vũ khí để đánh bại Nga ngay bây giờ, tránh xung đột kéo dài gây thiệt hại. Với cách tiếp cận thận trọng và không cung cấp cho Kiev những vũ khí như ATACMS và chiến đấu cơ F-16, Nga có thể giành lợi thế.

Nhiều chuyên gia ủng hộ viện trợ vũ khí thậm chí lập luận rằng việc Nga không leo thang hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể gửi bất kỳ thứ gì họ muốn mà không lo xung đột lan rộng.

Tuy nhiên, Miranda Priebe, nhà khoa học chính trị tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Mỹ, lo ngại quan điểm này là sai lầm. “Leo thang hạt nhân không phải điều duy nhất tôi lo lắng. Nga còn rất nhiều quân bài để chơi. Họ có thể không kích dân thường, cơ sở hạ tầng Ukraine hoặc tấn công mạng”, Priebe nói.

Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói rằng chính quyền Tổng thống Biden quyết định đúng đắn về các loại vũ khí hỗ trợ Ukraine ở mỗi giai đoạn cuộc chiến. Song rủi ro vẫn tiềm ẩn.

“Họ đang tự đẩy mình vào tình thế khó có thể tránh khỏi bị lún sâu ngày càng nhiều vào xung đột. Đó là lý do 12 tháng trước họ không muốn cung cấp vũ khí có thể leo thang xung đột và làm suy yếu khả năng thúc đẩy các ưu tiên khác như châu Á – Thái Bình Dương”, Shapiro nói.

Shapiro, người từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Barack Obama, chia sẻ ông muốn các cuộc tranh luận về vũ khí của Mỹ tập trung vào “điều chúng ta muốn đạt được trong cuộc chiến”.

“Chúng ta phải xác định rõ lợi ích của mình và sau đó điều chỉnh việc viện trợ vũ khí theo mục tiêu của chúng ta”, ông nói.

Xe tăng chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ tham gia tập trận tại Ba Lan tháng 2/2022. Ảnh: AFP.

Xe tăng chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ tham gia tập trận tại Ba Lan tháng 2/2022. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền ông Biden có thể kiểm soát tình hình hay không, bởi ngay sau khi Mỹ thông báo sẽ gửi hệ thống vũ khí tiên tiến mới, cuộc tranh luận về những hệ thống tiếp theo đã được đưa ra. Kiev đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nhận được tiêm kích hiện đại chuẩn NATO,

Alexander Vindman, trung tá Mỹ về hưu từng làm việc dưới thời Donald Trump, là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ việc trang bị vũ khí tối đa cho Ukraine. Ông gọi sự thận trọng của Nhà Trắng là “phi chiến lược”, giải thích rằng nếu Ukraine sớm nhận được các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ, Nga sẽ nhanh chóng thất bại và xung đột sẽ kết thúc.

Giới quan sát nói thành công của Ukraine phần lớn phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ phương Tây, đặc biệt khi họ dự định mở đợt phản công lớn.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhanh chóng thảo luận việc có trao cho họ ATACMS hay F-16 hay không và bước tiếp theo sẽ là gì?”, Charles Kupchan, cựu cố vấn của ông Biden khi là phó tổng thống Mỹ, nói. “Và tôi nghĩ một trong những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là giữ cho những cam kết của chúng ta phù hợp với lợi ích của Mỹ”.

Thanh Tâm (Theo Vox)

Nguồn bài viết