Lối sống căng thẳng khiến tóc của bạn bạc nhanh hơn. Tận hưởng một kỳ nghỉ thảnh thơi trong 2 tuần có thể khiến sợi tóc bạc của bạn đen trở lại.
Lão hóa khiến chúng ta có tóc bạc. Đọc tin tức tiêu cực khiến chúng ta có tóc bạc. Quả thực xung quanh chúng ta có rất nhiều lý do khiến mái tóc đen tuyền óng ả buộc phải chuyển sang tông màu ảm đạm. Thật may mắn, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp giúp chúng ta phục hồi những sợi tóc bạc trở lại bình thường mà không cần thuốc nhuộm.
Trong lần công bố đầu tiên của nghiên cứu “Sự tái tạo sắc tố tự nhiên“, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã tạo ra một mô hình máy tính mô tả tình trạng tóc bạc theo tuổi tác và cách tóc bạc phản ứng với các sự kiện căng thẳng.
Đầu tiên, họ xác định 323 loại protein có thể cung cấp thông tin một sợi tóc sẽ có màu xám, trắng hay màu tại thời điểm cụ thể nào. Sau đó, họ lấy những sợi tóc bạc và màu của 14 người tham gia rồi đánh giá mức độ căng thẳng trong cuộc sống của họ trong năm qua.
Có lẽ không cần làm một nhà khoa học bạn cũng có thể biết rằng tóc bạc và mức độ căng thẳng cao có mối liên hệ với nhau, đơn giản là nhìn mái tóc của các vị tổng thống Mỹ cũng có thể nhìn ra vấn đề rồi!
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ theo hướng ngược lại chưa? Liệu căng thẳng giảm xuống thì những sợi tóc đang cạn kiệt sức sống đó có thể “hồi sinh” được không? Đó chính là những gì nghiên cứu này tìm thấy.
Khi đối chiếu lịch sử protein của sợi tóc (mọc với tốc độ 1 cm mỗi tháng) với lịch sử của chủ nhân của chúng, các nhà khoa học nhận thấy một số sợi tóc bạc đã trở về màu sắc bình thường khi cuộc sống của họ bớt căng thẳng hơn.
Ayelet Rosenberg, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi thấy các tác nhân căng thẳng gây ra tóc bạc, nhưng tôi rất bất ngờ khi chứng kiến tác động mạnh mẽ của một kỳ nghỉ đối với quá trình hồi sinh tóc bạc. Sau một chuyến đi kéo dài 2 tuần, 5 sợi tóc bạc của một người tham gia nghiên cứu đã trở về màu sắc tự nhiên.”
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu khoa học hơn để hiểu rõ quá trình bạc tóc. Chúng ta vẫn chưa biết chắc hiệu ứng đổi màu này có xảy ra với người ở độ tuổi 40 hay không (nó không xảy ra với một số người trên 40 tuổi trong nghiên cứu của Columbia).
Mọi người đều biết rằng căng thẳng có thể mang lại nhiều tác hại nguy hiểm cho cơ thể. Họ cũng được khuyên rằng nên chăm chỉ tập thể dục, ngồi thiền, ngủ đủ giấc…để nâng cao sức khỏe. Nhưng chẳng ai nhìn thấy các động mạch bị vôi hóa bên trong cơ thể cả, vậy nên họ cho rằng mọi thứ vẫn ổn. Chỉ có mái tóc bạc là dấu hiệu rõ ràng nhất, dễ thấy nhất và ai cũng có thể thấy chúng hiển hiện trong gương.
Rosenberg cho biết: “Tóc là một yếu tố vô cùng đặc biệt. Nó cho phép chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thay đổi xảy ra ở cấp độ tế bào. Sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày nào đó các bác sĩ có thể sử dụng sắc tố tóc như một công cụ để chẩn đoán, hay nói cách khác là sử dụng phương pháp của chúng tôi. Nếu đột nhiên bị bạc tóc thì bạn hãy xem xét lại mức độ căng thẳng trong cuộc sống của mình. Khi được tận mắt chứng kiến, tôi nghĩ mọi người sẽ cảm thấy quan tâm hơn và sẽ đồng lòng tạo ra sự thay đổi.”
Vậy ở cấp độ tế bào đã xảy ra chuyện gì mà có thể khiến tóc của chúng ta có màu trở lại? Câu trả lời rất đơn giản: Tế bào gốc đã bắt đầu hành động. Nguyên liệu thô của cơ thể con người có khả năng tự động phát triển để tạo ra các loại tế bào cần thiết, vậy nên tế bào gốc đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các liệu pháp y tế. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàng kim của nghiên cứu tế bào gốc. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, các nhà khoa học đã nắm được cơ chế hoạt động khiến chúng có thể tiêu diệt HIV, làm cho các khối u não ngừng phát triển và có thể được tiêm để điều trị thành công bệnh tim và phổi ở chuột.
Tuy nhiên, tóc là một lĩnh vực tương đối mới đối với nghiên cứu về tế bào gốc, các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc liệu chúng có đủ sức làm thay đổi màu tóc bạc hay không. Melanocytes (tế bào biểu bì tạo hắc tố) là loại tế bào gốc sống trong nang tóc của chúng ta. Một số nghiên cứu cho thấy có một lượng tế bào hắc tố hạn chế tồn tại ở đó, khi chúng cạn kiệt, màu tóc của bạn cũng không giữ được màu sắc. Nhưng điều này hầu như không thuyết phục được giới khoa học.
“Sự cạn kiệt của các tế bào gốc khiến tóc đổi sang màu bạc mãi mãi, nhưng điều này chỉ được thể hiện ở chuột. Một số tế bào gốc nhất thời có thể xuất hiện, có thể chúng chính là nguyên nhân tạo ra hiện tượng tái tạo sắc tố mà chúng ta đang thấy ở đây”, Rosenberg nhận xét.
Tất nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định những kết quả này.
Nhận thức mới của chúng ta về khả năng tự đổi màu của tóc có thể là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp nhuộm tóc toàn cầu trị giá 23 tỷ đô la (được dự đoán sẽ tăng lên 36 tỷ đô la vào năm 2027).
Nghiên cứu của Columbia là một trong rất nhiều nghiên cứu muốn hướng tới thông điệp quan trọng: Chúng ta đang sống quá căng thẳng và điều đó không tốt cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Theo một nghiên cứu đầu năm nay, một ngày làm việc trong 5 tiếng sẽ đảm bảo năng suất tốt nhất, nếu làm việc lâu hơn thế, mọi người sẽ phải cố sức trong một thời gian rất dài về sau. Trong tương lai, biết đâu màu tóc bạc lại là dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức và sẽ khiến các nhà quản trị phải suy nghĩ?