(Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân)
Tuần qua, bên cạnh sự đổ bộ của “bom tấn” 40 tỷ Đất rừng phương Nam, thị trường phim chiếu rạp chào đón một món “lạ” mang tên Thành phố ngủ gật của đạo diễn Lương Đình Dũng – nhà làm phim của những bộ phim gây tranh cãi dư luận như Cha cõng con hay 578: Phát đạn của kẻ điên. Được biết, Thành phố ngủ gật được ê-kíp của Lương Đình Dũng thực hiện cách đây 6 năm, mang đi những liên hoan phim độc lập và nhận về một số lời khen. Còn khẩu vị khán giả Việt thế nào, chắc chắn vẫn là một dấu hỏi lớn, nhất là khi phim được đem chiếu rạp.
Thành phố ngủ gật – phim mới của đạo diễn Lương Đình Dũng |
Với thời lượng 70 phút, Thành phố ngủ gật không khó để hiểu nội dung, nhân vật chính là Tảo (do diễn viên trẻ Quốc Toàn thủ vai) là thanh niên làm nghề mổ gà thuê, một mình sống trong nhà trọ. Hàng ngày, Tảo phải “cống nạp” gà ngon cho một đám xã hội đen sống gần đó, cũng như bị chúng bắt nạt và hành hạ. Bước ngoặt xảy ra khi Tảo gặp gỡ một cô gái điếm đến phục vụ bọn tội phạm. Lúc đó Tảo trở thành một con người khác và khiến khán giả theo dõi không khỏi bất ngờ với sự chuyển biến trong hành động.
Nhân vật chính của phim do diễn viên trẻ Quốc Toàn |
Bộ phim được quảng bá là “show don’t tell”, nghĩa là kể chuyện chủ yếu bằng hình ảnh, những khán giả quen xem phim điện ảnh thuần túy, hay thích tìm ra dụng ý trong cảnh phim, có lẽ sẽ thấy một số cảnh trong phim có vẻ hợp gu. Như cảnh thành phố được quay từ trên cao xuống, giống như lơ lửng trên không, tựa như thân phận trái ngang của những mảnh đời nghèo khổ, hoặc là góc nhìn của sự suy ngẫm hay phán xét vào câu chuyện. Rồi khi Tảo vừa xem cảnh bọn tội phạm quan hệ với cô gái điếm, sau đó chiếu tới cảnh cắt tiết gà, như ngầm ý cho khát khao về thể xác của cậu trai trẻ.
Tuy nhiên, diễn biến tổng thể của phim, mối liên hệ giữa các nhân vật lại khá khiên cưỡng, nếu không muốn nói là áp đặt? Lý do gì Tảo vẫn phải chịu cảnh bị bọn tội phạm hành hạ mà không bỏ đi nơi khác, hay tình cảm của Tảo và cô gái điếm dường như được mô tả khá nhanh, khiến người xem không rõ cô ta thích Tảo thật hay chỉ lợi dụng câu ta bằng mục đích nào đó. Thêm vào đó phim đưa ra lời giới thiệu “Nhân chi sơ, tính bản ác”, nghĩa là từ khi sinh ra con người đã luôn tồn tại cái ác bên trong thì điều đó lại đặt gánh nặng khá nhiều cho nam chính Quốc Toàn, khi phải diễn cho ra sự chuyển hóa trong tâm can của Tảo.
Nam chính không có nhiều thoại, chủ yếu thể hiện nội tâm qua các cảnh quay ẩn dụ |
Quốc Toàn vẫn chọn lối diễn kiểu “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”, không đổi quá nhiều biểu cảm so với khuôn mặt ngơ ngác, ngây ngô lúc đầu, điều này được giải thích là dụng ý của phim, cũng không sao, chỉ là tiền đề và cú bật để Tảo “nhúng chàm” lại diễn ra có phần hơi nhanh và chưa khiến người ta cảm nhận được sự thay đổi từng chút một bên trong anh ta. Ngoài ra Quốc Toàn diễn ổn nhưng những diễn viên khác lời thoại như đọc trả bài và tạo cảm giác quần chúng, khiến cho bộ phim cũng giảm đi sự căng thẳng khá nhiều, nếu không muốn nói là ngây ngô. Phần nhiều do lồng tiếng không chỉn chu, khẩu hình miệng không khớp.
Để mô tả sự biến chất trong tâm lý của một con người không phải dễ, phần nhiều các đạo diễn sẽ đặt nhân vật vào trong một hoàn cảnh không lối thoát, đặt cho người đó nhiều phép thử. Tuy vậy, hoàn cảnh mà Lương Đình Dũng đặt cho Tảo khá khiên cưỡng và áp đặt, giống như đạo diễn đang tự trói nhân vật của mình mà không phải hoàn cảnh, để cho nhân vật bộc phát nhất thời xong cố gắng đưa ra một thông điệp nào đó nhưng dường như không tới.
Tình huống phim có lẽ mang nặng sự áp đặt |
Xét trên phương diện phim dưới góc nhìn cá nhân của tác giả, Lương Đình Dũng có lẽ đã làm ra một bộ phim không quá tệ, ít nhất cũng đỡ hơn một phim thị trường trường khác mà anh từng làm gần đây là 578: Phát đạn của kẻ điên, chỉ là nó dừng lại ở món “lạ” để đổi khẩu vị còn để mà nói “hay” thì quả thực chưa phải.