Sử dụng bịt mắt khi ngủ giúp cải thiện chức năng nhận thức 

Đeo bịt mắt khi ngủ, ngoài việc để giảm bớt ánh sáng xung quanh môi trường và khiến con người ngủ yên giấc hơn thì còn mang tới một số lợi ích tuyệt vời khác. Trong đó, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc đeo bịt mắt khi ngủ còn giúp cải thiện hiệu suất nhận thức vào ngày hôm sau.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi ngủ với bịt mắt có thể giúp cải thiện các chức năng nhận thức như trí nhớ và sự tỉnh táo. (Ảnh: Mix and Match Studio/ Shutterstock)

Chu kỳ ngủ và thức của con người chủ yếu bị ảnh hưởng bởi ánh sáng. Ánh sáng ban mai báo hiệu cho con người thức giấc, trong khi bóng tối báo hiệu thời điểm cần đi vào giấc ngủ. Nhưng ánh sáng mặt trời không phải là ánh sáng duy nhất có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các nguồn ánh sáng xung quanh, chẳng hạn như đèn đường hoặc ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử đều có thể gây ảnh hưởng.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ý, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 2 thí nghiệm để khám phá mối quan hệ giữa ánh sáng và giấc ngủ. 

Báo cáo của nghiên cứu chỉ ra: “Chúng tôi đã khám phá ra rằng đeo bịt mắt để chặn ánh sáng khi ngủ vào ban đêm có ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tỉnh táo. Những thay đổi ở cả 2 khía cạnh này có lợi ích rất lớn cho các công việc hàng ngày như học tập hoặc lái xe”.

Trong thử nghiệm đầu tiên, 89 người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 35, họ sẽ được thử nghiệm tối đa trong 2 tuần. Họ ngủ ở nhà và sẽ áp dụng bịt mắt trong 5 đêm, sau đó tham gia một bài kiểm tra kéo dài 2 ngày. Trong tuần tiếp theo với tư cách là một nhóm kiểm soát, họ ngủ ở nhà mà không bịt mắt trong 5 đêm và lại tiếp tục tham gia một bài kiểm tra kéo dài 2 ngày.

Sau thử nghiệm đã phát hiện ra rằng, những người tham gia sau khi được ngủ với tấm bịt mắt đã thực hiện tốt hơn trong bài kiểm tra mức độ liên quan của các từ được ghép nối và các bài kiểm tra đo thời gian phản ứng. Nhìn chung, khi ngủ với mặt nạ mắt có thể giúp cải thiện trí nhớ và sự tỉnh táo.

Trong thí nghiệm thứ 2, 33 người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 35 đã trải qua một thí nghiệm tương tự như thí nghiệm đầu tiên và sau đó họ được đeo thêm các thiết bị để đo hoạt động não trong khi ngủ. Đầu tiên là ngủ với miếng bịt mắt trong một đêm, đêm thứ 2 là sẽ ngủ với miếng che mắt có lỗ hở ở vùng mắt. Sau đó, là ngủ theo cách tương tự trong 2 đêm tiếp theo, cuối cùng là làm bài kiểm tra.

Kết quả cho thấy, những người tham gia đã thể hiện tốt hơn trong bài kiểm tra về mức độ liên quan của các từ được ghép nối sau khi ngủ với tấm bịt mắt. Kết quả dữ liệu sau khi được đo bằng các thiết bị cũng cho thấy đeo bịt mắt có liên quan đến giấc ngủ sóng chậm hơn. Có thể hiểu, giấc ngủ sóng chậm còn được gọi là giấc ngủ sâu, đây là yếu tố rất quan trọng để cải thiện trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu báo cáo kết quả trong nghiên cứu của họ rằng: “Bịt mắt khi ngủ có thời lượng giấc ngủ sóng chậm rất cao, điều này hoàn toàn có lợi cho trí nhớ”.

“Nó chứng minh rằng đeo bịt mắt khi ngủ cho tác dụng hiệu quả, tiết kiệm và không gây tác hại cho con người. Ngược lại, còn có tác dụng rất lớn đối với chức năng nhận thức và những tác động có thể dự đoán được đối với cuộc sống hàng ngày”, các nhà nghiên cứu cho biết.



Nguồn bài viết