Tỉnh Phú Yên ‘thu hút’ các nhà làm phim bằng Bộ chỉ số PAI?

Chỉ số Thu hút đoàn làm phim (PAI) là gì?

Điện ảnh – không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế. Thế giới điện ảnh có khả năng tuyệt vời trong việc giúp chúng ta khám phá mọi nơi trên thế giới, đến với mọi nền văn hóa và những câu chuyện khác nhau. Với Việt Nam, một đất nước xinh đẹp với nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, và lịch sử phong phú, ngành công nghiệp điện ảnh mang đến cơ hội đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng này, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam – VFDA đã xây dựng Bộ chỉ số Thu hút đoàn làm phim PAI (Production Attraction Index – gọi tắt là PAI), với mong muốn mang các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến giới thiệu và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, và của mỗi địa phương trong cả nước.

Hội thảo ngoài mang đến niềm vui về sự ra đời của PAI thì còn có những đóng góp quý báu
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam

Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, VFDA mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước. PAI không chỉ là một chỉ số; đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.

Chỉ số Thu hút đoàn làm phim không chỉ là danh sách các điểm đến. Đây là một công cụ toàn diện cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để đo lường và đánh giá mức độ thân thiện của chính quyền các địa phương với các đoàn làm phim nói riêng và ngành điện ảnh và du lịch nói chung. PAI được xây dựng trên khuôn khổ nhằm giải quyết các nhu cầu thiết yếu của sản xuất phim, bao gồm năm thành phần chính, những yếu tố này đại diện cho ngôi sao năm cánh dẫn lối các nhà làm phim đến các địa điểm quay phim còn chưa được khám phá:

  1. Hỗ trợ tài chính: Đánh giá sự sẵn có của các khoản tài trợ, trợ cấp và ưu đãi của địa phương cho các nhà làm phim
  2. Hỗ trợ thông tin: Đo lường nỗ lực quảng bá điểm đến cho các nhà làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh
  3. Hỗ trợ thực địa: Đánh giá những nỗ lực của địa phương trong việc kết nối đoàn làm phim đến các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quay phim
  4. Hỗ trợ thủ tục pháp lý: Đánh giá mức độ dễ dàng xin giấy phép và tuân thủ các yêu cầu pháp lý
  5. Hạ tầng sẵn có: Đánh giá tính sẵn có và chất lượng của các cơ sở và nguồn lực sản xuất phim

PAI được thiết kế thân thiện với người dùng, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương. Như là một ngôi sao, PAI hướng dẫn các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim, và du lịch.

Hội thảo ngoài mang đến niềm vui về sự ra đời của PAI thì còn có những đóng góp quý báu
Hội thảo ngoài mang đến niềm vui về sự ra đời của PAI thì còn có những đóng góp quý báu

Năm 2023, năm khởi đầu của chỉ số PAI, đã có 10 địa phương tham gia và chúng ta đang chứng kiến những kết quả ban đầu thú vị. Chính quyền các địa phương này đang nắm lấy cơ hội từ PAI để quảng bá tiềm năng của địa phương như một điểm đến cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Xứ “Hoa vàng cỏ xanh” tạo cơ hội cho mình với PAI

Sự tác động của điện ảnh kích cầu du lịch cho một vùng đất không phải là câu chuyện xa lạ, nhất là với Phú Yên – vùng đất đã thành thương hiệu “Xứ hoa vàng cỏ xanh” kể từ sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ được công chiếu và thành công. Theo như bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên chia sẻ thì năm 2014 khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt, du lịch Phú Yên tăng trưởng từ 12-25%/1 năm và thống kê tới năm 2019 đã đón 1.800.000 lượt khách du lịch, thu 2000 tỷ đồng. Năm 2022, sau dịch, Phú Yên tiếp tục là 3 địa danh hàng đầu trong công cụ tìm kiếm google về du lịch. Chính vì thế, khi Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam triển khai xây dựng Bộ chỉ số môi trường làm phim thì Phú Yên xung phong là tỉnh thí điểm với chương trình Điện ảnh với Phú Yên cũng như quảng bá hình ảnh trong Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên”. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, tỉnh Phú Yên rất mong muốn tiếp tục được bắt tay với điện ảnh. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì nhiều phim đã tìm đến với Phú Yên như Hậu duệ mặt trời, Ngày ấy mình đã yêu, Tình yêu và tham vọng… và hiện là hai phim điện ảnh lớn, một của Việt Nam và một của Ấn Độ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên

Trong khuôn khổ Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Thái ngoài giới thiệu cơ sở hạ tầng đáp ứng được tất cả các đoàn phim thì cũng cam kết tỉnh sẽ hỗ trợ hết mức cho các đoàn phim như: Hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính; đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình làm phim; hỗ trợ cán bộ chuyên môn tư vấn, theo đoàn phim; Hỗ trợ phương tiện di chuyển, vận chuyển và vận động xã hội hóa hỗ trợ kinh phí cho đoàn phim. Có thể thấy, tỉnh Phú Yên quyết tâm trở thành điểm đến đầu tiên cho các nhà làm phim Việt cũng như quốc tế và kích cầu du lịch cho mảnh đất này bắt đầu bằng con đường quảng bá qua điện ảnh. Nói như PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ – Nguyên ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ về dự án này trong hội thảo thì “tỉnh Phú Yên thực sự có tầm nhìn xa bởi phát triển văn hóa là sự phát triển bền vững nhất”.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ tại hội thảo
PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ – Nguyên ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ tại hội thảo

PAI trong mắt các nhà làm phim

Không chỉ các nhà làm phim trong nước mà cả những khách mời nước ngoài đều cảm thấy vui mừng khi VFDA công bố xây dựng Bộ chỉ số môi trường làm phim triển khai ở các tỉnh cũng như ra mắt trang web vietnamfilmproduction.vn giới thiệu môi trường làm phim tại Việt Nam – đây được xem như một hoạt động ý nghĩa để hiện thực hóa và minh bạch hóa việc hợp tác sản xuất phim, phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm giám đốc ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm giám đốc ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Hai phiên thảo luận với sự tham gia của các diễn giả: NSƯT, Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Đặng Tất Bình; Ông Phan Đăng Di, Đạo diễn, Biên kịch, Nhà sản xuất phim; Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Rahul Bali, Người sáng lập kiêm Innovations India và Liên hoan phim Ấn Độ trên thế giới (IFFW); Ông Ming Pan, Đồng sáng lập, CEO, Giám đốc sáng tạo của Mixel Media. Bà Phùng Thanh Xuân, Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn quản lý MCG; Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Trinh Hoan, Người sáng lập Công ty CP Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), D.O.P, Nhà sản xuất phim; Ông Namcito, Đạo diễn, Nhà sản xuất phim; Ông Nguyễn Quang Dũng, Đạo diễn, Biên kịch, Nhà sản xuất phim; Ông Jared Dougherty, Cố vấn Chiến lược và Chính sách Kinh tế số sáng tạo.

Bà Lý Phương Dung – Phú Cục trưởng Cục điện ảnh và ông Ming Pan giám đốc sáng tạo Mixel Media
Bà Lý Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục điện ảnh và ông Ming Pan giám đốc sáng tạo Mixel Media

Trong khuôn khổ trao đổi ý kiến ở Hội thảo, NSƯT Đặng Tất Bình chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nghe khái niệm chỉ số môi trường làm phim ở nước ngoài nhưng nay thấy đã và đang hiện thực ở Phú Yên thì rất mừng. Những năm 90, tôi hỗ trợ đoàn làm phim Đông Dương và họ đã mất 8 tháng để đi chọn cảnh trong đó mất thời gian nhất là đến địa phương thì họ không có thông tin mà nhà làm phim muốn. Ví dụ khi về Hạ Long, họ cần thông tin về thủy triều lên xuống trong ngày nhưng không có thông số, cuối cùng họ phải nhờ tới một nghiên cứu ở nước ngoài và từ đó mới sét được cảnh quay thành công. Tôi mong Phú Yên sẽ hoàn thiện bộ chỉ số này để thu hút các đoàn làm phim”.

Ông Rahul Bali – Người sáng lập Invovations India và LHP Ấn Độ trên toàn thế giới chia sẻ tại Hội thảo
Ông Rahul Bali – Người sáng lập Invovations India và LHP Ấn Độ trên toàn thế giới chia sẻ tại Hội thảo

Ông Phan Đăng Di – Đạo diễn, biên kịch, Nhà sản xuất phim cũng chia sẻ rằng khi nghe tin có Bộ chỉ số thu hút các đoàn phim thì rất mừng bởi đây là điều không chỉ ông mà các nhà làm phim đều chờ đợi, quan tâm. Nó sẽ mạch lạc hơn, rõ ràng hơn và giải quyết được nhiều vấn đề trong việc làm phim. Ông chia sẻ câu chuyện đi quay ở Hà Giang, kinh phí đã lên khung nhưng đến nơi thì phát sinh phí đi thuyền từ sông Nho Quế vào điểm quay, với hàng trăm người ra vào suốt 1 tháng thì con số này thật bất ổn nên nếu có sự hỗ trợ hay trao đổi với địa phương trước thì sẽ không nảy ra nan đề này. Chuyện nhỏ để biết rằng nó quan trọng bởi mình là đoàn phim Việt Nam nhưng với nước ngoài, họ cần chi tiết, tránh rủi ro. “Tôi có dự án làm phim ở Nhật và mới ở giai đoạn khảo sát viết kịch bản thôi nhưng khi tôi nói cần vào tỉnh nào thì ở Nhật họ cho tôi chính xác đến đó sẽ gặp ai và sắp xếp gặp người đó. Người được sắp xếp gặp đã biết trước mình đến vì việc gì, cần những gì”, ông Phan Đăng Di chia sẻ và hy vọng việc xây dựng bộ chỉ số này sẽ dần hoàn thiện, lan rộng và là viên gạch đầu tiên cho việc thu hút làm phim ở Việt Nam, các tỉnh thành cũng như môi trường làm phim chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Ông Phan Đăng Di - Đạo diễn, biên kịch, Nhà sản xuất phim và NSUT, đạo diễn Tất Bình
Ông Phan Đăng Di – Đạo diễn, biên kịch, Nhà sản xuất phim và NSƯT, đạo diễn Tất Bình

Đạo diễn Nam Cito của Gái già lắm chiêu chia sẻ: “Khi chúng tôi đến quay ở Huế thì khá ngạc nhiên vì thành phố Huế tạo cho đoàn phim 1 cơ chế thông thoáng, một cửa. Họ cử một nơi gọi là Viện nghiên cứu phát triển Huế hỗ trợ đoàn phim, làm việc với lãnh đạo tỉnh, các nơi liên quan từ sở ban ngành đến cứu hỏa… Chúng tôi chỉ làm việc với một cơ quan duy nhất. Đó là thứ đoàn phim cần, được hỗ trợ về giao thông, bảo vệ đoàn phim, ăn ở, tham quan bối cảnh…. Điều đó khiến chúng tôi cực thuận lợi trong việc làm phim”. Chính vì vậy, đạo diễn đánh giá cao địa phương Phú Yên về tầm nhìn văn hóa cũng như cảm giác sự kiện này chính là một nền tảng mới chắp cánh cho các nhà làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người vừa hoàn thành và công chiếu bộ phim Đất rừng phương Nam cũng chia sẻ: “Nếu không nhờ quen biết và được phía An Giang hỗ trợ thì phim Đất rừng phương Nam không chỉ có kinh phí 40 tỷ mà phải tăng thêm 20-30 tỷ nữa. Tôi may mắn hay chường mặt trên truyền hình nên được người ta biết, giúp đỡ nhưng đâu phải đoàn phim nào cũng vậy và kể cả được hỗ trợ nhưng khi xảy ra sự cố thì cũng khó giải quyết vì nó rất rườm rà, không biết bắt đầu từ đâu. PAI khiến mọi thứ chuyên nghiệp, công bằng hơn, chủ động và ý thức được. Nó rõ ràng như thế thì một bạn sinh viên hay đoàn nước ngoài đến Việt Nam cũng có thể kết nối điều phối được”.

Bà Lý Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục điện ảnh chia sẻ rằng, chưa bao giờ câu chuyện phát triển công nghiệp điện ảnh cũng như mối quan hệ điện ảnh và du lịch dần được hiện thực hóa như năm nay như Bộ chỉ số thu hút đoàn phim khởi xướng từ LHPQT Đà Nẵng đến việc dần hoàn thiện tại Phú Yên là một nỗ lực của VFDA. Bên cạnh đó, Luật điện ảnh có thay đổi, có chương xúc tiến phát triển điện ảnh, có hành lang cho các tổ chức các nhân tham gia thì đây – bộ chỉ số là việc làm cần thiết, tiên phong để chuyển hóa quy định của phát luật sang thực tế đời sống. Bà Dung cũng chia sẻ, hiện Luật Điện ảnh vẫn thiếu văn bản dưới luật để hướng dẫn thực thi như về xã hội hóa điện ảnh có nguồn vốn nhà nước vẫn chưa rõ; Quy đinh địa phương cấp giấy phép phân loại phim cũng đang hoàn thiện.

Không chỉ vui mừng khi VFDA xây dựng Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI, các nhà làm phim Việt và đại biểu còn góp thêm phần ý kiến để nâng cao tính thu hút. Ví dụ như NSƯT Tất Bình thì mong Phú Yên “thí điểm” ngoài hỗ trợ ngoại cảnh thì xây thêm trường quay nội để thu hút hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề xuất địa phương nên có một quỹ hỗ trợ đoàn phim, ví dụ hoàn thuế, trả tiền nếu phim đó khiến địa phương tăng doanh thu du lịch, kinh tế… như một sự kích cầu cho cả hai bên. Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm giám đốc ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ về việc PAI nên truyền thông rộng rãi về PAI cũng như tạo cẩm nang hỗ trợ đoàn phim cho các tỉnh biết… và cũng nên có nhiều hội thảo chẩn đoán PAI để các tỉnh hiểu cũng như kết nối đoàn phim với địa phương…

Bên cạnh sự vui mừng của các nhà làm phim Việt thì là niềm tin về sự hợp tác của các nhà làm phim nước ngoài có mặt tại hội thảo. Ông Rahul Bali – Người sáng lập Invovations India và LHP Ấn Độ trên toàn thế giới chia sẻ, hiện ông có 2 phim lớn quay ở Việt Nam trong đó có một phim chọn bối cảnh Phú Yên. Ông Ming Pan – Đồng sáng lập, CEO, Giám đốc sáng tạo của Mixel Media cũng bày tỏ niềm tin về việc làm phim ở Việt Nam và hy vọng chúng ta có thêm trường quay hỗ trợ. Hầu hết, các nhà làm phim nước ngoài đều mong mỏi thêm một động thái từ chính phủ như việc hoàn thuế, giảm thuế cũng như nhiều chính sách từ địa phương để thêm thu hút các đoàn phim nước ngoài.

Lễ ký kết MOU giữa VFDA và IFFW

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên” diễn ra ngày 16/11/2023, với mong muốn hợp tác cùng phát triển nhằm tăng cường hoạt động trong lĩnh vực Phim và Điện ảnh, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc và bảo đảm mối quan hệ hiện tại và tương lai, VFDA do bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và IFFW do ông Rahul Bali, Người sáng lập Innovations India và Liên hoan phim Ấn Độ cam kết trong thời gian tới sẽ huy động và kết nối các nguồn lực trong khả năng của mình để cùng phối hợp: (1) tổ chức các Sự kiện, Lễ hội văn hóa, điện ảnh để giao lưu văn hóa sâu rộng và quảng bá hoạt động quay phim tại Việt Nam; (2) tạo cơ hội cùng phát hành phim Ấn Độ tại Việt Nam nhằm khuyến khích và thu hút các nhà làm phim Ấn Độ quay phim ở các địa điểm đặc sắc của Việt Nam; (3) hợp tác, cộng tác đồng sản xuất phim Ấn Độ – Việt Nam, và cùng nhau tạo ra các sản phẩm và con đường mới để quảng bá Phim & Điện ảnh tại Việt Nam.

Tỉnh Phú Yên 'thu hút' các nhà làm phim bằng Bộ chỉ số PAI?
Lễ ký kết MOU giữa VFDA và IFFW
Chương trình Điện ảnh với Phú Yên

Nhằm quảng bá hình ảnh và các điểm đến độc đáo, thu hút đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến quay phim tại Phú Yên nói riêng, các tỉnh thành của Việt Nam nói chung, góp phần phát triển du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (Hiệp hội) tổ chức chương trình Điện ảnh với Phú Yên từ ngày 15 – 17/11/2023 tại tỉnh Phú Yên. 11 bộ phim được chọn chiếu, giao lưu với nghệ sỹ – khán giả và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ được chiếu mở màn cùng sự ra mắt của đại diện đoàn làm phim. Bên cạnh đó là Triển lãm ảnh “Bối cảnh quay phim độc đáo của Phú Yên” với việc giới thiệu nhiều cảnh đẹp của vùng đất này.

Tiêu điểm của chương trình là Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên” và sự kiện nổi bật nhất của chương trình Điện ảnh với Phú Yên là Gala “Đến với Phú Yên, trường quay lớn” (Truyền hình trực tiếp trên VTV8 từ Núi Thơm – Việt Star Resort, Phú Yên vào 20h00 ngày 16/11/2023).