Trung Quốc tức giận vì bị NATO xem là ‘thách thức’

Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng NATO “phỉ báng” chính sách đối ngoại của nước này khi xem Bắc Kinh là thách thức.

“Chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra rằng trong cái gọi là khái niệm chiến lược mới, NATO đã phớt là sự thật và quyết xem Trung Quốc là thách thức mang tính hệ thống”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11/1. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11/1. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ hôm 15/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng họ đã nhất trí về tầm nhìn quốc phòng của liên minh, trong đó nhấn mạnh những thách thức Trung Quốc đặt ra.

Trước đó, ông Stoltenberg tuyên bố Nga và Trung Quốc đang tăng cường công tác tình báo chống lại các quốc gia thuộc liên minh quân sự này.

Trung Quốc hết sức lo ngại và kiên quyết phản đối điều này”, ông Uông nói thêm. “NATO đang phỉ báng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, tìm cách châm ngòi đối đầu và đối kháng”.

Theo ông Uông, NATO tự xem mình là tổ chức phòng thủ khu vực, nhưng “tiếp tục xâm nhập vào các khu vực mới, châm ngòi xung đột ở khắp mọi nơi, gây căng thẳng và chia rẽ, sợ hãi và đối đầu”. “Chúng tôi kêu gọi NATO từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu khối đã lỗi thời, ngừng tạo ra những kẻ thù trong tưởng tượng và gây bất ổn cho châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời làm điều gì đó tốt cho hòa bình và ổn định ở châu Âu”, ông cho hay.

Trong tài liệu chiến lược được công bố tháng 6 năm ngoái, NATO lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là “thách thức”. Tổng thư ký Stoltenberg trước đó nói liên minh không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng thất vọng vì Bắc Kinh không lên án Nga trong xung đột Ukraine.

NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các thành viên trong liên minh bằng các “hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu”. “Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội”, tài liệu có đoạn viết.

Huyền Lê (Theo Reuters, TASS)

Nguồn bài viết