Trung Quốc“Thanh minh thượng hà đồ” của họa sĩ cung đình thời Thanh dài hơn 10 m, tái hiện 4.000 nhân vật.
Tác phẩm vẽ trên lụa, chiều ngang 1.152 cm, dọc gần 36 cm, do năm họa sĩ gồm Trần Mai, Tôn Hỗ, Kim Côn, Đới Hồng và Trình Chí Đạo thực hiện, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, Đài Loan.
Theo Artouch, tranh được thực hiện qua hai triều đại Ung Chính và Càn Long, bắt đầu từ năm Ung Chính thứ sáu (1728), hoàn thành khoảng 10 năm sau đó ở thời Càn Long. Thanh minh thượng hà đồ được ví là “một thế giới được cuộn lại, cất trong bảo hộp” khi miêu tả xã hội với tổng thể không gian, con người ở những tầng lớp khác nhau.
Tác phẩm chia làm các chủ đề gồm thôn làng, phiên chợ trên cầu, trong và ngoài thành, khung cảnh hồ nước. Nhiều hoạt động của con người được đưa vào bức tranh, như cưới hỏi, kinh doanh, mua bán, biểu diễn văn nghệ đường phố… Số nhân vật trong tác phẩm hơn 4.000 người. Mỗi nhân vật đều được khắc họa tỉ mỉ, chiều cao từ 0,5 tới 3 cm.
Tranh lấy cảm hứng từ Thanh minh thượng hà đồ thời Tống của họa sĩ Trương Trạch Đoan (1085-1145). Kiệt tác này dài khoảng 5 m với hơn 800 nhân vật. Trong lịch sử hội họa Trung Quốc, đây là tác phẩm huyền thoại, được nhiều danh họa vẽ lại. Trên thế giới hiện có khoảng 100 phiên bản của các tác giả ở những triều đại khác nhau, đều bắt nguồn từ tác phẩm của Trương Trạch Đoan. Trong đó, phiên bản của họa sĩ cung đình thời Thanh đồ sộ nhất.
Tác phẩm giữ lại một số khung cảnh ở tranh của Trương Trạch Đoan, như cây cầu, khung cảnh cửa thành, trong thành. Tuy nhiên, năm họa sĩ cung đình đưa nhịp sống đương thời vào bức tranh. Kiến trúc chủ yếu mang phong cách thời Thanh, trong đó có những công trình làm từ đá vận chuyển từ nước ngoài. Tác phẩm áp dụng một số thủ pháp nghệ thuật phương Tây, sử dụng nguyên liệu vẽ ngoại nhập.
Tranh thêm các phong tục, sự kiện thời Thanh như tạp kỹ, xiếc khỉ, hoạt động vui chơi ngày xuân… Vì thế, số lượng nhân vật gấp năm lần bản cũ, chiều dài gấp đôi. Tác phẩm miêu tả một số vấn đề xã hội như tình trạng thiếu nước ở thời Thanh, qua hình ảnh người dân giằng co giành nguồn nước.
Tuy vậy, nhìn chung, Thanh minh thượng hà đồ thời Càn Long tập trung hơn vào diện mạo an khang, no đủ của xã hội hơn là bức tranh thời Tống. Ở trong thành, người bán người mua tấp nập, các cửa tiệm gọn gàng, chỉnh tề, không lấn chiếm lòng đường. Sự tỉ mỉ, nghiêm túc của họa sĩ cung đình được thể hiện ở việc không hề có chi tiết cẩu thả nào trong từng sự vật, từ kiến trúc, cây cối, ngựa xe, tàu thuyền tới con người.
* Ảnh: “Thanh minh thượng hà đồ” của năm họa sĩ cung đình
Theo Arts And Culture, tác phẩm là thành tựu quan trọng của hội họa cung đình triều Thanh. Các họa sĩ phát huy sở trường của mỗi người, thể hiện tinh túy của nghệ thuật đương thời. Đây còn là tài liệu không thể thiếu khi nghiên cứu về đời sống thời Minh, Thanh. Giới chuyên môn nhận định Thanh minh thượng hà đồ là căn cứ đáng tin cậy khi tìm hiểu giao thông, kiến trúc, tàu thuyền, ẩm thực, y dược, trang phục, phong tục tập quán đương thời.
Tên gọi Thanh minh còn gây tranh cãi về ý nghĩa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm miêu tả khung cảnh phố xá, con người trong tiết Thanh minh. Số khác nhận định tên gọi ngụ ý chính trị, chỉ thời bấy giờ hoàng đế “chính trực thanh minh”.
Nghinh Xuân