Ba tuần Mỹ đàm phán gỡ bế tắc trần nợ

Ba tuần trước, để gỡ bế tắc trần nợ, Tổng thống Biden được khuyên phải thuyết phục thành công một người, đó là Chủ tịch Hạ viện McCarthy.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 1/5 cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào đầu tháng 6 nếu quốc hội không giải quyết vấn đề nâng trần nợ công. Mỹ khi đó đã chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD từ hồi tháng 1, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell khi đó nói Tổng thống Biden rằng nếu muốn giải bài toán trần nợ, ông cần phải đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, và chỉ với ông McCarthy. Sau lời khuyên này, ba tuần đàm phán căng thẳng giữa Nhà Trắng với ông McCarthy bắt đầu.

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng hôm 9/5 có sự tham gia của ông Biden với 4 quan chức quốc hội cấp cao, gồm ông McConnell, ông McCarthy, lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries. Cuộc đàm phán kéo dài khoảng một giờ và không đạt tiến triển nào.

Sau cuộc gặp, ông McConnell gọi điện cho ông Biden và kêu gọi “thu hẹp phạm vi đàm phán”, nhắc lại lời khuyên ông từng đưa ra cho Tổng thống Mỹ. Một tuần sau, ông Biden và ông McCarthy bắt đầu thương lượng với nhau thông qua các trợ lý, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực giải quyết bế tắc trần nợ.

Ngồi ghế từ trái sang lần lượt là lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer tại cuộc họp về trần nợ ở Nhà Trắng ngày 9/5. Anh: AFP

Tổng thống Biden cùng 4 lãnh đạo quốc hội Mỹ trong cuộc đàm phán đầu tiên về trần nợ ở Nhà Trắng ngày 9/5. Ảnh: AFP

Từng là phó tổng thống khi Mỹ gặp bế tắc trần nợ năm 2011, ông Biden không muốn nhượng bộ trong vấn đề mà ông coi là trách nhiệm cơ bản của quốc hội. Trong khi đó, ông McCarthy nhấn mạnh cần có những thay đổi trong chi tiêu liên bang và muốn dùng thẩm quyền của Hạ viện với dự luật nới trần nợ công để làm đòn bẩy. Quan điểm không khoan nhượng của hai người đều góp phần đẩy Mỹ đến bờ vực vỡ nợ.

Để thu hẹp khoảng cách, hai bên cử ra 5 người đại diện đàm phán với nhau. Đại diện Nhà Trắng là cố vấn tổng thống Steve Ricchetti, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young và giám đốc phụ trách pháp lý Nhà Trắng Louisa Terrell. Phía ông McCarthy cử hai hạ nghị sĩ Patrick McHenry và Garret Graves tham gia.

Graves, McHenry, Ricchetti, Young và Terrell gặp mặt hàng ngày trong một văn phòng ở tầng một tòa nhà quốc hội Mỹ. Họ cùng vạch ra những ưu tiên và “lằn ranh đỏ” của mình để tìm cách đi đến một thỏa thuận.

Ngày 19/5, quá trình đàm phán bắt đầu rạn nứt. Phe Cộng hòa mất kiên nhẫn bởi Nhà Trắng không có dấu hiệu muốn hạn chế chi tiêu. Với phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ không thành công nếu thiếu điều kiện này.

Trong cuộc gặp sáng cùng ngày, giới chức Nhà Trắng thúc giục ông McHenry và ông Graves đưa ra một đề xuất chính thức, nhưng phe Cộng hòa khi đó quyết định công khai tất cả điều khoản của họ. “Chúng tôi không muốn chơi trò chơi ở đây”, Graves kể lại nỗi tức giận của ông và McHenry lúc đó.

Khi hai bên họp lần nữa vào tối 19/5, McHenry và Graves đưa ra một đề xuất mới, trong đó có các điều khoản của phe Cộng hòa từng bị Nhà Trắng bác bỏ trước đây. Một quan chức Nhà Trắng nói đề nghị này là “sự thụt lùi”.

Nhà Trắng sau đó công khai nỗi tức giận của mình bằng một tuyên bố dài của giám đốc truyền thông Ben LaBolt, tiếp đó là tại cuộc họp báo của Tổng thống Biden ở Nhật Bản, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh G7.

“Giờ là lúc các bên từ bỏ lập trường cực đoan của mình”, ông Biden nói. “Vì hầu hết những gì họ đã đề xuất đơn giản là không thể chấp nhận được”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đàm phán về vấn đề trần nợ tại Nhà Trắng ngày 22/5. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đàm phán về vấn đề trần nợ tại Nhà Trắng ngày 22/5. Ảnh: Reuters

Trong khi bình luận công khai của các bên có xu hướng gay gắt, tiến trình đàm phán dường như lại có tiến triển. Khi rời Nhật Bản, ông Biden đã điện đàm với ông McCarthy từ chuyên cơ Không lực Một và Chủ tịch Hạ viện dường như có quan điểm khá tích cực.

Các nhà đàm phán có những buổi họp kéo dài, thậm chí đến 2h30. Graves có lần cho phóng viên xem ứng dụng theo dõi giấc ngủ trên điện thoại, cho thấy ông chỉ ngủ trung bình ba giờ mỗi đêm trong gian đoạn cuối đàm phán.

“Quan điểm của các đại diện Nhà Trắng cũng trở nên nghiêm túc hơn nhiều dựa trên những thực tế họ cần phải chấp nhận”, McHenry nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 26/5 cảnh báo nếu không tăng trần nợ công, Mỹ sẽ vỡ nợ vào ngày 5/6, muộn hơn vài ngày so với ước tính trước đó. Điều này góp phần giúp các nhà đàm phán thêm thời gian để thương lượng.

Ngày 27/5, ông Biden và ông McCarthy thông báo một thỏa thuận sơ bộ, cần sớm hoàn thiện để trình quốc hội thông qua nó.

Thỏa thuận cuối cùng nhận được cả sự ủng hộ lẫn phản đối từ các nghị sĩ lưỡng đảng. Thông qua điện thoại và họp trực tuyến, giới chức Nhà Trắng đã trả lời câu hỏi, lý giải những điểm phức tạp trong thỏa thuận và phản hồi những lời phàn nàn từ các nghị sĩ. Đến ngày 1/6, các cố vấn Nhà Trắng đã gọi điện trực tiếp cho hơn 130 nghị sĩ để giải thích về thỏa thuận.

Tổng thống Biden cũng tham gia nỗ lực. Ông trao đổi với hạ nghị sĩ Dân chủ Annie Kuster, lãnh đạo liên minh trung tả Tân Dân chủ, và cảm ơn bà vì đã góp phần giúp đảm bảo thỏa thuận được thông qua.

Đêm muộn 31/5, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu phê duyệt Dự luật Trách nhiệm Tài chính, cụ thể hóa thỏa thuận sơ bộ, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng, thể hiện ở 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống.

“Hạ viện đã tiến một bước quan trọng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và bảo vệ quá trình phục hồi kinh tế của đất nước chúng ta”, Tổng thống Biden cho biết. “Thỏa thuận ngân sách này là sự thỏa hiệp giữa hai đảng. Không bên nào giành được tất cả những gì mình muốn. Đó chính là trách nhiệm trong việc điều hành”.

Thượng viện Mỹ sau đó cũng nối bước Hạ viện, thông qua dự luật vào tối 1/6, trước khi nó được trình lên Tổng thống Joe Biden ký thông qua thành luật, giúp ngăn nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ.

“Tôi muốn cảm ơn các lãnh đạo Schumer và McConnell vì đã thông qua dự luật trần nợ. Thỏa thuận lưỡng đảng này là chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta. Tôi mong được ký thành luật sớm nhất có thể và thông báo cho người dân Mỹ trong ngày 2/6″, Tổng thống Biden cho hay.

Như Tâm (Theo AP)


Nguồn bài viết