Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đồng loạt khởi công xây dựng vành đai 4 vào tháng 6, phấn đấu hoàn thành dự án giữa năm 2025.
Sáng 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô tại nút giao với Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Lãnh đạo Chính phủ nêu thực trạng tại Hà Nội, cuối năm và đầu năm đều xảy ra tắc đường, ngay chiều mùng 1 Tết đã ùn tắc ở các tuyến trung tâm. Do đó, ông cho rằng xây dựng đường vành đai 4 sẽ giải tỏa lưu lượng ôtô vào trung tâm, tạo ra không gian phát triển mới với các khu công nghiệp, khu đô thị mới, đồng thời khai thác quỹ đất hiệu quả hơn.
“Tinh thần là làm ngày làm đêm, tranh thủ thời tiết thuận lợi và người dân ủng hộ để giải phóng mặt bằng nhanh chóng”, Thủ tướng nói và yêu cầu Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên – nơi có đường vành đai 4 đi qua nhanh chóng hoàn tất việc chuẩn bị để khởi công đồng loạt ở cả ba địa phương. Các nút giao trên tuyến đường phải được thiết kế là những điểm nhấn về cảnh quan, góp phần phát triển du lịch.
Hiện nay, các hạng mục công việc như báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi… đang được ba tỉnh, thành triển khai đáp ứng tiến độ. Việc giải phóng mặt bằng cũng được nỗ lực thực hiện để khởi công dự án đúng tiến độ vào tháng 6.
Trong đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và cắm mốc giải phóng mặt bằng toàn bộ đoạn tuyến dài 58,2 km. Các quận, huyện đã lập xong phương án giải phóng mặt bằng tổng thể, xác định vị trí khu tái định cư và thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thành phố cũng đã di chuyển gần 5.000 ngôi mộ, đạt hơn 40%.
Hưng Yên hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Tỉnh đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở. Đến nay, các huyện đã di chuyển được 526/3.311 ngôi mộ.
Bắc Ninh đã giao huyện Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cho phép áp dụng chỉ định thầu, ủy quyền thực hiện một số nội dung khi triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Các địa phương trên đã thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đang thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng. Tỉnh Bắc Ninh chưa có phương án bố trí nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ để phục vụ việc di chuyển mồ mả.
Do dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố, phát sinh một số khó khăn nên ba địa phương đề xuất cho phép lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để phục vụ di chuyển mộ trong phạm vi thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án; cho phép chỉ định thầu các dự án cải tạo, mở rộng, xây mới nghĩa trang.
Bên cạnh đó, ba địa phương cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, thi công đối các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng; được phép phân giai đoạn, hạng mục đầu tư để thiết kế theo từng giai đoạn, từng hạng mục phục vụ thi công trên cơ sở đảm bảo đồng bộ cho toàn công trình, phù hợp với khối lượng di dời, giải phóng mặt bằng của dự án…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, giải quyết ngay các đề xuất nói trên theo thẩm quyền. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên để xem xét, quyết định. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhanh chóng chuẩn bị các công việc, làm sớm nhất có thể, tránh giấy tờ, thủ tục phiền hà không cần thiết, kéo dài thời gian.
Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Võ Hải