TS Hà Thị Thanh Hương (34 tuổi) cùng nhóm nghiên cứu phát triển kit chẩn đoán nhanh bệnh Alzheimer thay vì phải dùng thiết bị chụp chiếu và làm các xét nghiệm.
TS Hương hiện là Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Nghiên cứu về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer được chị và nhóm nghiên cứu phát triển sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.
Theo TS Hương, nhóm nghiên cứu muốn tạo ra phương pháp phát hiện bệnh Alzheimer tại chỗ mà không cần phải sử dụng những thiết bị chẩn đoán từ bệnh viện. Dựa trên bộ kit (có thể không đơn giản như kit thử thai hay thử Covid-19), nhưng các y bác sĩ ở các trung tâm y tế quận huyện cũng có thể sử dụng kit này để chẩn đoán bệnh Alzheimer thay vì phải dùng các thiết bị máy móc chụp chiếu hiện đại.
Bộ kit này sẽ dựa trên dấu ấn sinh học là protein p-tau 217 – chỉ dấu không chỉ có giá trị chẩn đoán sớm mà có thể tiên lượng tiến triển của bệnh Alzheimer. “Dựa trên hàm lượng protein p-tau 217 có thể biết được bệnh nhân trong những năm tới bệnh tiến triển nhanh hay chậm”, TS Hương nói.
Để làm được, nhóm nghiên cứu cần phát triển cảm biến miễn dịch điện hóa. Trên cảm biến này có gắn các vật liệu nano tại các điểm cực và thử nghiệm với nồng độ khác nhau để xác định độ nhạy, độ đặc hiệu, sau đó mới thử nghiệm lâm sàng.
Dự án chẩn đoán Alzheimer của TS Thanh Hương được xét trao học bổng khoa học quốc gia L’Oreal – UNESCO For Women in Science 2022, trị giá 150 triệu đồng. TS Hương cho biết, hỗ trợ này sẽ giúp chị và nhóm biến ý tưởng thành hiện thực.
TS Hà Thị Thanh Hương tốt nghiệp tiến sĩ ngành thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ) năm 2018, sau đó chị trở về Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, góp phần tăng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam.
Các nghiên cứu về bệnh Alzheimer được TS Hương theo đuổi nhiều năm qua. Năm 2020 chị từng được giải thưởng và nhận tài trợ thực hiện nghiên cứu liên quan đến chẩn đoán bệnh Alzheimer. Dựa trên các kết quả nghiên cứu về bệnh Alzheimer chị cho biết cần phát triển cách tiếp cận mới để có sản phẩm công nghệ thuận tiện hơn trong việc chẩn đoán sớm căn bệnh này.
Nhóm nghiên cứu của TS Hương đã kết nối Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa HCM để hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Hương Thảo