Thập niên qua, Mỹ ngày càng ưa chuộng việc cấm xuất khẩu công nghệ để có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu.
Ngày 7/10/2022, Mỹ công bố một bộ quy định dài 139 trang. Theo đó, nước này có quyền tài phán với mọi dòng mã hoặc bộ phận máy móc bán dẫn có yếu tố Mỹ, cũng như quyền với hoạt động của tất cả công dân Mỹ, ở mọi nơi trên hành tinh. Vì thế, các công ty sử dụng mã nguồn, thiết bị hoặc nhân lực Mỹ để sản xuất chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc phải dừng lại.
Ngay lập tức, điều này khiến CEO các công ty bán dẫn tại Đông Á hoảng sợ. The Economist cho biết đây chính là cuộc tấn công bằng “vũ khí kinh tế” mới mà Mỹ yêu thích gần đây. “Vũ khí” này là “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (Foreign Direct Product Rule – FDPR).
Trước đây, Mỹ thường trừng phạt kinh tế bằng cách ngăn mục tiêu tiếp cận USD. Còn với FDPR, họ đã vũ khí hóa công nghệ.
FDPR đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong kho vũ khí kinh tế của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc. Một nhà vận động hành lang của Đảng Cộng hòa gọi Cục Công nghiệp và An ninh – cơ quan quản lý FDPR – là “mũi nhọn của ngọn giáo”. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng đang tham gia một khóa học mà 3 năm trước không mấy người quan tâm – luật tuân thủ xuất khẩu.
Hình thức kiểm soát xuất khẩu ngoài lãnh thổ này không mới. Khái niệm này xuất hiện từ năm 1959. Nhưng chỉ trong thập kỷ qua, FDPR mới được tận dụng để trở thành một vũ khí kinh tế ở tiền tuyến.
Đầu những năm 2010, Bộ Thương mại Mỹ đã viết hai quy tắc kiểm soát xuất khẩu đầu tiên dựa trên ý tưởng này. Họ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ từ bất kỳ nơi nào trên thế giới sang Trung Quốc, nếu chúng được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc chế tạo vệ tinh.
Mỹ cũng đang theo đuổi vụ kiện chống lại Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông đang phát triển mạnh của Trung Quốc. Từ lâu, Mỹ đã nghi ngờ Huawei vi phạm lệnh cấm vận và liên quan đến hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Sự khó chịu của Mỹ với sức mạnh công nghệ của Trung Quốc ngày càng lớn khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, sau khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đổ vỡ, chính quyền Trump mới chuyển sang kiểm soát xuất khẩu để tấn công Huawei. Nhà Trắng đưa công ty này vào danh sách cấm nhận công nghệ Mỹ, coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Dù vậy, sau khi nghiên cứu chi tiết lệnh cấm của chính quyền Trump, các công ty Mỹ nhận thấy việc cung cấp công nghệ cho Huawei vẫn là hợp pháp nếu đến từ ngoài lãnh thổ Mỹ. Vì vậy, nhiều công ty công nghệ vẫn tiếp tục cung cấp cho Huawei thông qua các cơ sở ở nước ngoài.
Điều này không chỉ khiến chính quyền Trump tức giận mà còn khiến các công ty sản xuất ở Mỹ khó chịu. Các hãng chip Mỹ bắt đầu vận động hành lang để thay đổi. Nếu các công ty bị ngăn dùng công nghệ Mỹ để cung cấp cho Huawei từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, họ sẽ không thiệt thòi nữa.
Đến tháng 8/2020, khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, các quan chức đã tìm ra khúc mắc. Mỹ công bố một quy định về FDPR, loại Huawei ra khỏi mạng lưới công nghệ Mỹ, và trên thực tế là ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Các công ty chip lớn trên toàn thế giới ngừng giao hàng cho Huawei. Doanh thu của tập đoàn này giảm 29% năm 2021. Những chiếc điện thoại thông minh phổ biến của hãng dần biến mất khỏi thị trường. Như vậy, Mỹ đã tìm ra cách mới để loại bỏ những đối thủ mà họ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mỹ sau đó sớm có thêm cơ hội thử nghiệm vũ khí FDPR. Cuối năm 2021, khi Nga tập trung lực lượng đông đảo gần biên giới Ukraine, Nhà Trắng đã hỏi ý kiến của các cơ quan chính phủ về cách ứng phó. Bộ Thương mại đề xuất mở rộng FDPR, giống cách họ đã làm với Huawei.
Vào tháng 2/2022, hai FDPR mới khiến mạng lưới công nghiệp-quân sự của Nga khỏi không thể tiếp cận các sản phẩm có yếu tố Mỹ trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Việc này nằm trong gói trừng phạt khổng lồ do Mỹ và các đồng minh đưa ra.
Mỹ nói rằng việc sản xuất tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga đã bị hạn chế đáng kể do thiếu chất bán dẫn. “Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đang gây ra những hậu quả đáng kể và lâu dài đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vào tháng 10/2022.
Nhận thấy hiệu quả, Nhà Trắng tiếp tục hướng về ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Tại Washington, lưỡng đảng đã đạt được thỏa thuận về mức độ đe dọa do Trung Quốc gây ra. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan vạch ra chiến lược mới trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng 9 năm ngoái. Theo ông, đối với các công nghệ nền tảng như chất bán dẫn, Mỹ phải “duy trì vị trí dẫn đầu càng lâu càng tốt”.
Quy định ngày 7/10 là nỗ lực để hiện thực hóa điều đó. Nó đang gây tổn hại cho các công ty trí tuệ nhân tạo và các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Thiệt hại sẽ tăng lên nếu các đồng minh cùng tham gia.
Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được thỏa thuận với Mỹ vào cuối tháng trước. Nếu cả hai cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ bị chặn tiếp cận hoàn toàn với công nghệ bán dẫn tiên tiến.
Washington giờ đang bàn bạc về mục tiêu kế tiếp của FDPR. Đó có thể là ngành công nghiệp sinh học của Trung Quốc – nơi sản xuất thuốc và các thành phần thuốc. Hoặc là việc sản xuất các loại pin tiên tiến, đặc biệt là pin cho xe điện.
Tuy nhiên, việc Mỹ cố gắng chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến lại khiến Trung Quốc tập trung sản xuất các loại chip phổ biến trong xe điện và vũ khí. Phân khúc này họ lại đang chiếm thị phần lớn.
The Economist cho rằng nếu tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo sau này thấp hơn dự tính của chính phủ Mỹ, việc khiến Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn với các loại chip này có thể là một sai lầm.
Sự phát triển của công nghệ là điều khó dự đoán. Chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất trong ngành bán dẫn là một trong những thứ phức tạp nhất mà con người từng tạo ra.
Phiên An (theo The Economist)