TP HCM sẽ chưa thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng từ bất động sản thứ hai.
Trong các kiến nghị đưa ra cuối năm 2022 và đầu năm nay để sửa đổi Nghị quyết 54 về một số cơ chế đặc thù, TP HCM đề xuất thu thuế nhà, đất thứ hai; tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở; tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thứ hai trở lên.
Nhưng tại bản dự thảo mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Bộ Tư pháp thẩm định, các chính sách này đều được bỏ.
Cụ thể, sau khi bỏ thí điểm cơ chế đánh thuế với nhà, đất ở thứ 2 tại TP HCM, dự thảo cập nhật mới cũng bỏ đề xuất tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế suất thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Tuần trước, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) khi góp ý kiến với thành phố cũng đề nghị không thí điểm hai chính sách này trong hai năm tới. Lý do là thực hiện lúc này có thể dồn thêm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập các hộ gia đình, cá nhân giảm.
Góp ý trước đó, Bộ Tài chính cũng phản đối việc đánh thuế với nhà ở, đất ở thứ 2 vì lo ngại không đảm bảo công bằng trong nhiều trường hợp. Thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế sẽ có trường hợp bất động sản có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế, và ngược lại. Do đó, nếu áp dụng không đáp ứng mục tiêu chính sách thuế là điều tiết hợp lý thu nhập của người sở hữu nhiều nhà, đất.
Chưa thí điểm các chính sách thuế với bất động sản thời gian tới nhưng TP HCM có thể được thí điểm nhiều cơ chế đặc thù khác về tài chính ngân sách. Việc này nhằm giúp thành phố huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục.
Chẳng hạn, TP HCM sẽ được thí điểm ban hành phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục Nhà nước và tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu (trừ phí, lệ phí lĩnh vực toà án).
Thành phố cũng được linh hoạt quyết định dự toán, phân bổ ngân sách và sử dung nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội.
Tổng mức dư nợ vay của thành phố tối đa là 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Các khoản vay này có thể qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong, ngoài nước của Chính phủ về cho vay lại. Hằng năm ngân sách trung ương bổ sung cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia.
UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ, dao động 2-4% tổng chi ngân sách quận, để thực hiện các nhiệm vụ chưa được dự toán.
Ngoài ra, thành phố được dùng ngân sách để thực hiện các dự án, công trình quan trọng có tính liên vùng; có quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Điểm mới nữa là sẽ thí điểm “nâng cấp” Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) hoạt động như Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Theo đó, HĐND thành phố được bố trí nguồn thu từ cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho HFIC. Lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập, đầu tư để bổ sung vốn điều lệ được thực hiện như các Quỹ đầu tư phát triển địa phương khác. HĐND thành phố được bố trí ngân sách để đưa ra các chương trình kích cầu đầu tư, giao HFIC hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cơ chế đặc thù thí điểm cho TP HCM đang trong quá trình thẩm định, trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.