Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động bị ngưng nhiều quyền lợi về trợ cấp, ốm đau, thai sản, trong khi hàng tháng phải trừ lương để đóng bảo hiểm.
Sáu năm trước, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm rời Cần Thơ lên TP HCM, làm ở công ty may tại Gò Vấp. Hai năm sau công ty phá sản, nữ công nhân chuyển đến Công ty TNHH Asia Garment, chi nhánh quận 12. Trong 4 năm làm việc tại đây, hàng tháng chị đều bị công ty trích 10,5% lương, tức hơn 500.000 đồng để đóng BHXH bắt buộc.
Bị trừ một khoản khá lớn so với thu nhập, người phụ nữ 46 tuổi nói “rất xót ruột nhưng nghĩ đến lợi ích lâu dài nên chấp nhận”. Tuy nhiên, khi bị ốm đi viện và cần thanh toán bảo hiểm y tế, chị bị bệnh viện từ chối do công ty nợ bảo hiểm đã hơn hai năm. Không chỉ chị Diễm, nhiều đồng nghiệp sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản với lý do tương tự. Công nhân nghỉ việc, khiếu nại khắp nơi nhưng mọi thứ gần như đi vào ngõ cụt.
Khi thành phố bùng dịch, cuộc sống nữ công nhân lâm vào cảnh khốn khó. Không còn chỗ bấu víu, chị nghĩ đến khoản tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm và quyết định rút. Đến nay sau 4 lần lên xuống cơ quan BHXH quận Tân Bình, chị đều nhận được cái lắc đầu từ nhân viên. Lý do được đưa ra là công ty nợ bảo hiểm gần 9 tỷ đồng nên khoản trợ cấp của chị không được giải quyết.
“Lỗi không phải của tôi nhưng cuối cùng tôi lại gánh hậu quả”, chị Diễm nói. Quá thất vọng nên khi xin vào làm việc ở chỗ mới, chị đề nghị công ty ký hợp đồng thời vụ, nhận lương tuần, từ chối tham gia bảo hiểm xã hội.
Từng tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, nói rằng có trường hợp làm việc gần chục năm nhưng đến khi làm trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thông báo có hai tháng không đóng BHXH nên không giải quyết. Theo bà, lao động có 10 năm làm việc, tức 120 tháng, nhưng chỉ vì bị nợ hai tháng mà không được hưởng chế độ là quá thiệt thòi.
“Doanh nghiệp để nợ nhưng cơ quan bảo hiểm không giải quyết quyền lợi cho người lao động là vô lý”, bà Trang nói.
Ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ Liên đoàn lao động huyện Hóc Môn (TP HCM), nói trước đây trên địa bàn có doanh nghiệp để nợ BHXH, chủ bỏ trốn. Công nhân tứ tán khắp nơi. Mới đây nhiều lao động lớn tuổi không tìm được việc làm nên quay về đề nghị công đoàn hỗ trợ để nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên thủ tục gặp nhiều khó khăn, cơ quan BHXH yêu cầu phải có quyết định phá sản của doanh nghiệp mới giải quyết.
“Không tìm được tung tích chủ doanh nghiệp thì làm thủ tục phá sản thế nào, quyền lợi của lao động bị treo đến bao giờ”, ông Minh đặt câu hỏi.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2022, có gần 213.400 lao động chưa được giải quyết quyền lợi do doanh nghiệp để nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là những những khoản nợ “khó đòi” do công ty phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn. Ngoài việc cơ quan bảo hiểm phát sinh khoản nợ lớn, phần lớn hậu quả người lao động phải gánh chịu khi doanh nghiệp nợ BHXH.
Trước tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản của lao động đều tính trên thời gian thực đóng, không áp dụng thời gian bị nợ. Nếu sau này nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc nguồn tài chính khác bổ sung, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm để tính lại mức hưởng. Riêng lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên (không tính thời gian bị nợ), nếu có nguyện vọng sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xem tăng thêm một số quyền cho người lao động, song hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn doanh nghiệp không bị nợ. Đại diện một số công đoàn cơ sở cho rằng nếu công bằng phải giải quyết đầy đủ tất cả quyền lợi cho lao động ngay khi phát sinh.
Ông Dương Văn Thuận, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng trong tất cả tình huống phát sinh khi doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan chức năng phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của quỹ. Với các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, quỹ cần áp dụng nguyên tắc sẻ chia để đảm bảo chính sách “không bỏ rơi ai”.
Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, ở Hàn Quốc, lao động gặp sự cố như tai nạn, ốm đau, thai sản mà doanh nghiệp để nợ BHXH, ngay lập tức quỹ bảo hiểm đứng ra chi trả, thanh toán các chi phí điều trị. Khi xây dựng chính sách, cơ quan bảo hiểm nước này ý thức lao động khi tham gia BHXH tức là “người của mình”, quỹ phải có trách nhiệm với họ, nhất là lúc ngặt nghèo.
“Người lao động là quan trọng nhất chứ không phải khoản nợ chưa thu hồi”, ông Tiến nói. Do đó, chính sách phải có những thay đổi để lao động mong muốn được ở lại với hệ thống. Các quyết định đưa ra cần nghĩ đến lợi ích của người lao động trước tiên.
Lê Tuyết