“Ngày ngủ cày đêm” ảnh hưởng giấc ngủ
Mai Thị Mỹ Duyên (19 tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội) có thói quen thường xuyên thức khuya để giải quyết các công việc cá nhân hoặc làm bài tập. Đáng nói, có những đêm Duyên thức tới tận 5-6h sáng mới hoàn thành hết các công việc. Nếu buổi sáng hôm đó phải đi học, Duyên chỉ có thể ngủ được 1-2h hoặc thậm chí là không ngủ.
Duyên chia sẻ: “Bản thân mình không thể tập trung vào buổi sáng nên mình thường thức vào ban đêm để học bài hoặc làm việc. Thức khuya trong suốt một thời gian dài khiến mình thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, cùng với đó mình thường bị đau đầu và đau dạ dày. Mặc dù biết việc lệch giờ sinh học có nhiều tác hại cho bản thân nhưng vì nó đã trở thành thói quen nên rất khó để thay đổi”. Bạn cho biết, tình trạng này đã kéo dài từ thời điểm còn là học sinh cấp 3 tới nay đã là sinh viên năm 2 đại học.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Thùy Linh (19 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Quỹ thời gian eo hẹp do buổi sáng đi học, còn buổi chiều phải lên công ty để làm việc khiến Thùy Linh chỉ còn thời gian buổi tối dành cho bản thân mình. Linh chia sẻ: “Mình hay kết thúc một ngày học tập và làm việc vào khoảng 6h30 tối. Mình thường tự nấu ăn tối rồi làm bài tập hoặc đi chơi với bạn bè đến khoảng 12h mới bắt đầu lên giường đi ngủ. Nhưng sau đó, mình không đi ngủ luôn mà còn phải lướt mạng xã hội như Facebook, Instagram hoặc Tiktok, để trò chuyện với bạn bè rồi mới đi ngủ. Ngày nào sớm mình sẽ ngủ vào khoảng 1h, muộn hơn là 3h là chuyện rất bình thường”.
Khác với Mỹ Duyên hay Thùy Linh, dù không phải học tập hay làm việc nhưng Đức Hiếu (21 tuổi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) vẫn thường xuyên thức khuya để chơi game, xem phim,… Hiếu chia sẻ: “Những ngày nghỉ mình thường ngủ rất nhiều, vì đêm mình thức tới rất khuya. Mình hay tự nhủ là chơi nốt ván này hoặc xem hết tập này rồi ngủ nhưng có những đêm mình chợt để ý đồng hồ đã là 4-5h. Nếu hôm đó mà phải lên lớp, mình có thể bỏ tiết hoặc nhờ bạn điểm danh hộ, thậm chí là mình lên lớp ngủ”.
Kết quả của việc thường xuyên thức khuya khiến Hiếu cảm thấy cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng, không muốn làm bất cứ việc gì. Hiếu tâm sự: “Nhiều lần cũng mong muốn ngủ sớm, nhưng cứ lên giường nằm rất lâu vẫn không thể ngủ được. Trằn trọc mãi, mình lại lấy điện thoại lên làm gì đó đến đúng giấc quen mới lại chợp mắt được. Có những lần, mình phải dùng đến những loại thuốc an thần”.
Cảnh báo rối loạn giấc ngủ xảy ra ở người trẻ
Theo TS, Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Liên đoàn Thế giới về Sức khỏe Tâm thần (WFMH) đưa ra khuyến cáo thời gian ngủ hợp lý theo lứa tuổi. Với lứa tuổi thanh thiếu niên, nên ngủ từ 8-10h/ngày; với lứa tuổi thanh niên và người trưởng thành nên ngủ 7-9h/ngày.
“Nếu chúng ta ngủ ít, não sẽ rất mệt mỏi. Dần dần, sẽ sinh ra những biến đổi trong cơ thể: tính tình, cảm xúc như cáu giận, buồn vui thất thường. Về lâu dài, còn khiến chúng ta suy giảm trí nhớ tư duy và suy luận logic của não bộ, suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch… Nói chung, các bạn trẻ ngủ được càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Trao đổi về tình trạng mà các bạn sinh viên nêu ra, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho rằng, các bạn sinh viên có thể đã mắc phải chứng “rối loạn giấc ngủ” hoặc “rối loạn giấc ngủ không thực tổn”.
Theo bác sĩ Dũng, những hội chứng về rối loạn giấc ngủ thường chỉ diễn ra ở người lớn tuổi sau thời gian làm việc mệt mỏi, căng thẳng hoặc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp. Nếu ngày càng nhiều các bạn trẻ có những biểu hiện của các chứng rối loạn giấc ngủ, đó là một điều vô cùng đáng để cảnh báo.
Về những phương pháp để cải thiện giấc ngủ, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, một trong những chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành cho biết: “Để có thể khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Một số loại rối loạn giấc ngủ chỉ cần tự điều trị tại nhà, tuy nhiên một số loại lại cần đến sự can thiệp của các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ,…”
Bác sĩ Sơn cũng đưa ra một số những lời khuyên để giảm thiểu tình trạng rối loạn giấc ngủ. Cụ thể: Duy trì lịch ngủ và thức vào một khung giờ nhất định trong ngày; Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ; Tránh các yếu tố gây căng thẳng, kích thích thần kinh (đặc biệt là trước khi ngủ); Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể; Không dùng rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm có chứa caffeine vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối; Hạn chế ăn các món chiên xào nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ; Tập thể dục, vận động thường xuyên. Uống ít nước trước khi đi ngủ”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số loại thực phẩm có thể khiến chứng rối loạn giấc ngủ trầm trọng hơn trong khi một số khác lại giúp cải thiện tình trạng này.
Một chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất, bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng không chỉ giúp mang lại giấc ngủ ngon hơn mà còn hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm khác.
Việc tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ con người. Việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie và các loại vitamin A, C, D, E và K đều làm tăng khả năng bị rối loạn giấc ngủ cho bạn.
Để phòng ngừa và điều trị rối loạn giấc ngủ, quan trọng là nên ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây, hạn chế tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, các loại rượu bia và đồ uống có cồn,… Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng số lần thức giấc vào ban đêm và giảm thời gian ngủ sâu, khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ.