Liên tiếp những vụ việc trẻ gặp nạn rơi xuống cống, bể nước
Vài ngày qua, dư luận cả nước hướng về hành trình giải cứu cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu khoảng 35m tại tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhặt sắt. Tuy nhiên, bé Nam bất ngờ bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong (đường kính 25cm) đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m và đã tử vong thương tâm.
Ngoài vụ việc trên, sáng 5/1, lãnh đạo UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cho biết cơ quan chức năng địa phương đang xác minh, làm rõ trách nhiệm vụ một bé gái hơn 2 tuổi ở xã Ngọc Lý bị rơi xuống cống thoát nước.
Theo vị lãnh đạo, tỉnh lộ 298, đoạn qua ngã tư cầu Đồng, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, đang thi công. Chiều 4/1, đơn vị thi công tiến hành sửa chữa lại một số nắp cống. “UBND xã có báo cáo là sau khi làm xong, công nhân quên không lấp lại mà chỉ đặt một số tấm gỗ để cảnh báo”, vị lãnh đạo thông tin.
Sau đó, khoảng 20h cùng ngày, một cháu bé hơn 2 tuổi đi xe đạp và ngã xuống hố cống trên. Rất may, bố bé gái đã kịp phát hiện, cứu được bé lên và đưa đi cấp cứu.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng thông tin vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhi 2 tuổi trong tình trạng nguy kịch do rơi xuống bể nước. Bệnh nhi Đ.T.N. (2 tuổi, trú tại thị xã QuảngYên, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, lơ mơ, môi chi tím tái, gồng cứng tay chân; SpO2 85% và tụt dần, ban xuất huyết dưới da rải rác đầu mặt.
Theo lời kể của gia đình, khi đang chơi thì bệnh nhi bị rơi xuống bể nước ngọt, sau khoảng vài phút thì được vớt ra, chuyển ngay đến trung tâm y tế xử trí thở oxy, ép tim và chuyển tiếp đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu. Từ những vụ việc trên, có nguy hiểm cận kề nào trẻ có thể gặp phải, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể ra sao?
Trao đổi với PV Dân Việt, TS – LS Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay, với trẻ em thì tai nạn có thể xảy ra bất kỳ khi nào nếu như cha mẹ, người giám hộ nơi lỏng, thiếu giám sát, chăm sóc, bảo vệ không chu đáo.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.
Các bé trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các bé gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới. Trên cơ sở những con số thống kê về số trẻ em bị tai nạn, thương tích, thậm chí tử vong do tai nạn hàng năm cho thấy bảo vệ trẻ em khỏi những nguy hiểm, rủi ro trong cuộc sống thường ngày là trách nhiệm quan trọng của cha mẹ, của người giám hộ, Cơ sở giáo dục đào tạo và của các tổ chức cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
“Trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, thiếu kỹ năng sống, với các em nhỏ thì khả năng nhận diện các tình huống nguy hiểm và bảo vệ bản thân khỏi các tình huống nguy hiểm rất hạn chế nên những tai nạn rất dễ xảy ra như: trẻ em bị ngã, rơi từ trên cao xuống, bị ngã xuống hố, xuống ao hồ, gặp tai nạn giao thông hoặc bị thương tích, tử vong do các nguyên nhân khác… khi những vụ tai nạn xảy ra thì hậu quả dẫn đến trẻ bị thương tích, thậm chí tử vong là rất cao”, luật sư Cường chia sẻ.
Trách nhiệm của gia đình, đơn vị thi công ra sao trước việc trẻ gặp nạn?
Luật sư Cường cho rằng, trong gia đình và các cơ sở giáo dục đào tạo thì cần phải kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn cho trẻ em, những khu vực có thể xảy ra tai nạn đối với trẻ em để có những biện pháp khắc phục. Đặc biệt là những gia đình có bể cá, bến nước, bể bơi, các hố sâu hoặc gần ao hồ thì cần phải đề phòng nguy cơ trẻ em bị rơi xuống, nguy cơ đuối nước…
Nếu trong gia đình có những vị trí hiểm yếu như cửa sổ không có. Xong, cầu thang có lan can thưa, sơ hở để trẻ em có thể ngã từ trên tầng cao xuống hoặc trong nhà có bể cá coi, có giếng khoan hoặc gần ao hồ mà thiếu sự quản lý chăm sóc của người lớn thì trẻ em hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm rủi ro…
“Đối với các công trường đang thi công thì nguy cơ tai nạn xảy ra đối với người lao động là rất cao, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai. Bởi vậy công trường là khu vực đặc biệt, những người không có nhiệm vụ thì không được vào. Các điều kiện đảm bảo an toàn trong quá trình thi công phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chỉ cần có chút nơi lỏng, sơ hở là tai nạn có thể xảy ra và có thể cướp đi mạng sống của người lao động và những người dân sống xung quanh”, luật sư Cường đánh giá.
Luật sư Cường cũng nêu ra vấn đề nếu trẻ em vào khu vực đang sản xuất, máy móc đang chạy hoặc vào các khu vực công trường đang thi công thì nguy cơ tai nạn là rất cao. Bởi vậy để trẻ em vào các khu vực đang thi công phải tiếp cận với các máy móc thiết bị đang hoạt động là có lỗi của người quản lý trẻ em cũng như của người đảm bảo an toàn ở những nơi công trường, nhà máy… Nếu là hành vi có lỗi vô ý dẫn đến hậu quả trẻ em bị thương tích nghiêm trọng hoặc thiệt mạng thì người có lỗi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về các tội danh như tội vô ý làm chết người; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp; tội vi phạm quy định về an toàn lao động…
“Khi vụ việc tai nạn xảy ra khiến trẻ em thiệt mạng thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định có lỗi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trẻ em từ vong hay không để xem xét trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy đã có người có lỗi dẫn đến hậu quả trẻ em tử vong thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường phân tích.
Luật sư cũng dẫn chứng ngoài ra, trẻ em bị thương tích tử vong khi tham gia giao thông cũng là một con số đáng báo động. Trẻ em có thể bị thương tích hoặc thiệt mạng do các vụ tai nạn giao thông hoặc do các em bị ngã, bị rơi xuống hố, hồ, ao trong quá trình tham gia giao thông…. Bởi vậy, để giảm thiểu các vụ tai nạn đối với trẻ em thì cha mẹ, thầy cô giáo, những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nêu cao trách nhiệm của bản thân mình trong việc quản lý trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
“Đối với những người quản lý những máy móc thiết bị có thể gây ra tai nạn hoặc đối với những công trường đang thi công, những khu vực đường giao thông có trẻ em đi qua thì cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong công việc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, cần phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị và an toàn trong những tuyến đường giao thông khi có trẻ em tham gia”, luật sư Cường nêu.
Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, câu chuyện trách nhiệm pháp lý sẽ đặt ra nếu như xảy ra vụ tai nạn khiến trẻ em gặp nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên để giảm thiểu nguy cơ trẻ em gặp tai nạn thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng ngừa trong đó có việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra với trẻ khi sống trong gia đình, khi tham gia giao thông và nơi học tập.
“Khi cha mẹ, thầy cô giáo, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đến trẻ em, đề phòng các tình huống tai nạn có thể xảy ra một cách thường xuyên, liên tục, có trách nhiệm thì mới giảm thiểu được những tai nạn đối với trẻ em, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và sau đó là những vụ án hình sự để xử lý những người có lỗi”, luật sư Cường nói thêm.