Bệnh viện công lập phải niêm yết giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho phép bệnh viện công lập tự quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu song phải kê khai.

Chiều 9/1, dự luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành chỉ 78% (386/473), 51 người không tán thành và 36 người không biểu quyết. Điều khoản về giá dịch vụ khám chữa bệnh trước đó được thông qua với gần 77% đại biểu tán thành.

Theo luật, Bộ trưởng Y tế phối hợp với Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá dịch vụ không phải do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán nhưng không phải là dịch vụ theo yêu cầu.

HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt quá giá tương ứng do Bộ trưởng Y tế quy định. Bệnh viện công lập áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải dịch vụ theo yêu cầu.

Bệnh viện tư được quyết định và kê khai, niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh viện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quyết định giá khám chữa bệnh theo pháp luật về PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến cho rằng Nhà nước cần quản lý giá khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập, bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu để đảm bảo quyền được chăm sóc y tế của người dân; người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế. Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định rõ các trường hợp Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh.

Có ý kiến đề nghị nếu xảy ra sai sót về trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh hoặc chuyên môn kỹ thuật thì bệnh viện và người hành nghề phải xin lỗi. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng luật đã quy định nếu sai sót chuyên môn kỹ thuật, tùy mức độ vi phạm sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề. Vậy nên nội dung đại biểu đề nghị không được bổ sung vào dự luật.

Về Hội đồng y khoa quốc gia, có ý kiến cho rằng sẽ phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế. Có người băn khoăn chất lượng và tính độc lập của hội đồng. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho biết Nghị quyết 20 Trung ương năm 2017 chỉ đạo thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và coi đây là giải pháp quan trọng phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Kinh nghiệm phổ biến nhiều nước trên thế giới cho thấy Hội đồng Y khoa là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực người hành nghề thông qua kiểm tra, đánh giá trước khi cấp giấy phép; đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.

Thực tế tại Việt Nam, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập năm 2020 và đang chuẩn bị nội dung kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Vì vậy, dự thảo quy định Hội đồng do Thủ tướng lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên dự luật giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động. Hội đồng Y khoa chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh, được huy động các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024, trừ một số điều về đánh giá năng lực hành nghề y, Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh… có hiệu lực muộn hơn.

Viết Tuân – Sơn Hà

Nguồn bài viết