Đại tướng Tô Lâm cho rằng cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ đảm bảo quyền lợi trong giao dịch và quyền bảo hộ của phụ huynh.
Sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Một trong những điểm mới được Chính phủ đề xuất là cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cân nhắc do trẻ em sẽ phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt. Thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em dưới 14 tuổi để ghi nhận trong thẻ căn cước; xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi để bảo đảm tính khả thi; đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu cấp thẻ căn cước của lứa tuổi này.
Giải trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói việc này phù hợp với thực tiễn. Bộ Công an thường xuyên làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng trẻ em ở các xã, phường, từ đó tính toán cho hệ thống giáo dục, cư trú và phục vụ kỳ thi.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đăng ký sim điện thoại, tham gia môi trường mạng cần mã định danh cá nhân nên việc cấp căn cước cho trẻ em là cần thiết. Việc này hạn chế bất cập vì ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, trẻ em không có giấy tờ gì để giao dịch.
Với lo ngại trẻ thay đổi nhanh về hình thể, ông Tô Lâm cho biết dự thảo sẽ nghiên cứu xây dựng theo hướng căn cước trẻ em 5 năm phải thay đổi một lần, đảm bảo phản ánh, cập nhật chính xác thông tin.
Theo Bộ trưởng Công an, căn cước gắn chip là một trong những loại giấy tờ hiện đại nhất hiện nay. Việt Nam cùng với các nước trong ASEAN như Malaysia, Singapore đang nghiên cứu thống nhất loại giấy tờ này, tiến tới hoạt động như Cộng đồng châu Âu, công dân các nước đi lại trong khu vực không cần hộ chiếu.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được xây dựng theo hướng căn cước từng bước thay thế giấy tờ cá nhân. Trước mắt, căn cước gắn chip có thể tích hợp ngay số bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức.
Người dân có thể dùng căn cước để mở tài khoản, thanh toán, cho vay, dùng thay ví điện tử; giao dịch tài chính, viễn thông, điện, nước; ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm. Bộ Công an cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin để hỗ trợ công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.
Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban lo ngại việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân có thể làm tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.
Thông tin được đề xuất tích hợp bổ sung vào thẻ Căn cước đều cá nhân, bí mật đời tư như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực; chỉ cấp quyền đọc thông tin phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào kỳ họp Quốc hội thứ 5 (khai mạc tháng 5) và thông qua vào kỳ họp 6 cuối năm 2023. Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị kỹ hồ sơ, tiếp thu ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 4.