Bỗng dưng chán nản, suy sụp, coi chừng trầm cảm theo mùa

Chị Trần Thị Thu (45 tuổi, trú tại Hà Nội) vô cùng bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán chị bị “trầm cảm theo mùa”. 

Chị tâm sự, bản thân có cuộc sống “tròn trịa”, con cái lớn, học hành tiến bộ, ngoan ngoãn, vợ chồng sống với nhau 20 năm luôn quan tâm đến nhau, công việc của chị cũng an nhàn, kinh tế ổn thỏa. 

Nhưng từ Tết ra, bỗng dưng chị thấy chán nản, chỉ thích ngủ, cân nặng tăng, cả người chậm chạp, uể oải. Chị mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, chồng con, bạn bè rủ đi chơi cũng không thích. Chị còn lẩn thẩn nghĩ cuộc sống của mình thật vô giá trị “ăn no chờ chết”. 

Bỗng dưng chán nản, suy sụp, coi chừng trầm cảm theo mùa - Ảnh 1.

Nếu bạn nhận thấy những thay đổi đáng kể trong tâm trạng và hành vi của mình mỗi khi chuyển mùa, bạn có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa hay còn gọi là trầm cảm theo mùa. Ảnh minh họa everydayhealth

Chị còn ám ảnh về cuộc sống già nua, ốm yếu đang chờ mình phía trước. Có lần, chị còn có ý định tìm chết khi còn khỏe mạnh. Nhưng ý nghĩ này vừa xuất hiện khiến chị Thu giật mình. Chị vội vã đi khám chuyên khoa tâm thần và được bác sĩ chẩn đoán chị bị “trầm cảm theo mùa” khiến chị vô cùng bất ngờ. 

Trầm cảm theo mùa là gì? 

Về chứng bệnh này, Nguyễn Kim Anh – Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai lý giải, ai trong chúng ta cũng có cảm giác buồn chán tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Đôi khi, những thay đổi tâm trạng này bắt đầu và kết thúc khi các mùa thay đổi, hay điều kiện thời tiết nơi sinh sống. 

Nhiều người có thể bắt đầu cảm thấy “chán nản” khi ngày ngắn lại vào mùa thu và mùa đông (còn được gọi là “Blue winter”) và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn vào mùa xuân, với thời gian ban ngày dài hơn.

Trong một số trường hợp, những thay đổi về cảm xúc này nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày. 

“Nếu bạn nhận thấy những thay đổi đáng kể trong tâm trạng và hành vi của mình mỗi khi chuyển mùa, bạn có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa hay còn gọi là trầm cảm theo mùa (SAD – Seasonal Affective Disorder), một rối loạn cảm xúc thường gặp”, bác sĩ Kim Anh nhận định. 

Theo bác sĩ Kim Anh, trầm cảm theo mùa không được coi là một chứng rối loạn riêng biệt mà là một loại trầm cảm được đặc trưng bởi mô hình tái diễn theo mùa. 

Chứng bệnh này thường điển hình ở quần thể vùng khí hậu có sự thay đổi rõ rệt về mùa trong năm. Mùa đông được báo cáo có dấu hiệu bệnh tăng lên, các biểu hiện của bệnh với các triệu chứng kéo dài khoảng 4 đến 5 tháng mỗi năm.

Dấu hiệu của trầm cảm theo mùa

Bác sĩ Kim Anh cho biết, các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm theo mùa bao gồm những triệu chứng trầm cảm và một số triệu chứng khác nhau đối với trầm cảm theo mùa kiểu mùa đông và kiểu mùa hè. 

Đối với trầm cảm theo mùa kiểu mùa đông, các triệu chứng cụ thể khác có thể bao gồm:

– Ngủ quá giấc (hypersomnia) 

– Ăn quá nhiều, đặc biệt là thèm đồ ăn có nhiều carbohydrate ( đồ ngọt, tinh bột, ngũ cốc…) 

– Tăng cân 

– Xa lánh xã hội (cảm giác như “ngủ đông”)

Các triệu chứng cụ thể của trầm cảm theo mùa kiểu mùa hè có thể bao gồm:

– Khó ngủ (mất ngủ) 

– Chán ăn, dẫn đến sụt cân 

– Bồn chồn và kích động 

– Lo lắng 

– Các kiểu hành vi bạo lực

Bỗng dưng chán nản, suy sụp, coi chừng trầm cảm theo mùa - Ảnh 2.

Trầm cảm theo mùa hay gặp ở nữ giới hơn nam giới. Ảnh minh họa news-medical

Những người trầm cảm nặng hơn có thể có các dấu hiệu: 

– Cảm thấy chán nản hầu như cả ngày, gần như mỗi ngày

– Mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích 

– Trải qua những thay đổi về khẩu vị hoặc cân nặng 

– Có vấn đề với giấc ngủ 

– Cảm thấy chậm chạp hoặc tăng họat động hơn bình thường 

– Giảm năng lượng 

– Cảm thấy vô vọng hoặc vô giá trị 

– Gặp khó khăn trong việc tập trung 

– Thường xuyên có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử  

Bác sĩ Kim Anh khuyến cáo, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân khi phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu trên cần phải đưa đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị, tránh để bệnh nặng gây hậu quả nghiêm trọng. 

Theo bác sĩ Kim Anh, việc theo dõi sát sao của người thân trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao hiệu quả điều trị. 

Gia đình cần theo dõi diễn biến triệu chứng trầm cảm, phát hiện sớm ở tưởng và hành vi tự sát để xử trí kịp thời.

Ngoài ra gia đình cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, mọi người thân trong gia đình cần thông cảm, chia sẻ, động viên và giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm, tránh thái độ kỳ thị coi thường; Tạo điều kiện để bệnh nhân được bày tỏ ý kiến của mình.

Đồng thời, cần theo dõi bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và quan sát người bệnh khi uống thuốc, tốt nhất là người nhà quản lý thuốc; Định kỳ hằng tháng đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa. 



Nguồn bài viết