TP HCMTheo chuyên gia Đoàn Minh Xương, kinh nghiệm, bản lĩnh của HLV Philippe Troussier sẽ giúp U22 Việt Nam khởi sắc để bảo vệ HC vàng SEA Games 32, dù vừa trải qua loạt trận giao hữu không như ý.
– Ông đánh giá thế nào về cơ hội của U22 Việt Nam tại SEA Games sắp tới, sau khi đội thua cả năm trận giao hữu gần nhất?
– Tôi có chút lo lắng. Thầy trò ông Troussier chắc đang chịu áp lực lớn. Nhưng trong bóng đá, càng áp lực, các đội bóng càng phải cố gắng tiến về phía trước. Với một HLV đẳng cấp, bản lĩnh và giàu kinh nghiệm như Troussier, tôi nghĩ ông ấy sẽ có cách giúp cầu thủ giải toả áp lực, biến những khó khăn thành kết quả thuận lợi.
Chúng ta cũng không nên bi quan về loạt trận giao hữu vừa qua. Việt Nam dưới thời HLV Calisto từng hoà và thua 10 trận trước giải, nhưng sau đó vô địch AFF Cup 2008. Vì vậy, tôi nghĩ nhiệm vụ của thầy trò ông Troussier bây giờ là tập trung tập luyện và lên các phương án chiến thuật cho SEA Games 32, hơn là nghĩ về những kết quả vừa qua.
– Ông đánh giá thế nào về lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại?
– Theo tôi, lứa cầu thủ này không bằng thế hệ các đàn anh dưới thời ông Park Hang-seo. Chúng ta vẫn có những cầu thủ tài năng đấy, nhưng rất khó tìm ra những thủ lĩnh của đội và cả thủ lĩnh trên từng tuyến.
Ví dụ, thủ môn Quan Văn Chuẩn tiến bộ, nhưng ít kinh nghiệm nên chưa thể yên tâm như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Văn Toản. Hàng thủ có Vũ Tiến Long, Lương Duy Cương, Hồ Văn Cường, Phan Tuấn Tài… nhưng để tìm ra một người chỉ huy và chơi rắn mặt như Quế Ngọc Hải, Thành Chung hay Việt Anh lại rất khó. Hàng tiền vệ có Lê Văn Đô chơi tốt, nhưng còn xa mới được như Văn Hậu. Khuất Văn Khang, Huỳnh Công Đến, Đinh Xuân Tiến cũng nổi bật, nhưng chưa thể đạt tới kỳ vọng như Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng.
Các tiền đạo của đội cũng đang tịt ngòi liên tục. Đá với đội hạng nhất Bà Rịa Vũng Tàu, đội còn không ghi được bàn nào. Đây là điều đáng lo nhất, vì bóng đá cần bàn thắng trong khi mục tiêu đặt ra là vô địch, nên không ghi bàn thì phải làm sao đây.
Tuy nhiên, so sánh cũng chỉ là tương đối. Tôi hy vọng qua những trận giao hữu và quá trình chuẩn bị vừa qua, thầy trò ông Troussier sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm, và tôi tin đội sẽ vượt qua vòng đấu bảng.
– U22 Việt Nam sẽ gặp những khó khăn chủ quan và khách quan nào tại SEA Games sắp tới?
– Về khách quan, ngay từ vòng bảng, các đối thủ đã rất thách thức. Thái Lan được đánh giá cao hơn chúng ta. Còn Malaysia và Singapore, dù kỹ năng, chất lượng cầu thủ có thể không bằng, lại chơi nặng về thể lực. Cộng thêm lối đá trung bình và chuyền dài, họ hứa hẹn sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam.
Hơn nữa, SEA Games kỳ này không cho các đội tăng cường cầu thủ quá tuổi, và mỗi đội cũng chỉ được đăng ký 20 cầu thủ. Để vào đến chung kết, các đội sẽ phải đá sáu trận với mật độ dày. Điều đó đòi hỏi U22 Việt Nam phải đảm bảo tránh chấn thương, thẻ phạt, đồng thời duy trì được thể lực. Đội cũng cần những cầu thủ đa năng để có thể trám chỗ, nếu chẳng may có mất mát về lực lượng với mật độ thi đấu dày như thế.
Về chủ quan, so với các đàn anh vốn có cả chục năm đồng hành từ lứa U16, U19, U20, U22, U23, dàn cầu thủ U22 hiện tại ít được thi đấu cùng nhau. Hơn nữa, họ cũng ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Chưa kể, ở môi trường trong nước, dù là ở V-League hay giải hạng Nhất, các em còn chưa cạnh tranh được suất đá chính. Thế nên, họ sẽ gặp thách thức không nhỏ khi vào những trận cầu căng thẳng ở SEA Games.
– Ông đánh giá thế nào về lối chơi HLV Troussier đang áp dụng cho U22 Việt Nam?
– Ông Troussier có triết lý kiểm soát bóng, và tôi ủng hộ lối chơi này, vì nó phù hợp với thể trạng và sự khéo léo của cầu thủ Việt Nam. Nhưng lối chơi nào cũng có những cái hay và cái hạn chế của nó.
HLV cũng cần phải tính toán để linh hoạt điều chỉnh cách chơi, thích ứng với từng đối thủ, từng hoàn cảnh. Gặp các đội như Lào hay Singapore, chúng ta có thể áp dụng lối chơi kiểm soát và chủ động tấn công, nhưng trước Thái Lan và Malaysia, có lẽ đội cần kết hợp cả phòng ngự – phản công. Lối chơi thực dụng hiện là xu hướng được nhiều đội trên thế giới áp dụng. Ngay cả Man City hùng mạnh cũng có lúc co về phòng ngự – phản công.
Do đó, đội không thể cứ vào trận, “đè ngửa” đối thủ mà đá theo cách chơi được HLV xây dựng và có thể chẳng đạt kết quả gì. Ngược lại, nếu biết thích ứng và tính toán cho hợp lý, đội sẽ đạt được hiệu quả cần thiết. Trong bóng đá, kết quả mới là điều cao nhất chúng ta hướng tới, chứ không phải lối chơi. Nếu đội thắng tưng bừng các đối thủ yếu, nhưng lại rời cuộc chơi vì để thua đối thủ khác chỉ một bàn, thì sẽ rất đáng tiếc.
Đức Đồng