Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam” là dấu mốc đáng nhớ không chỉ của 23 tác giả mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của hàng trăm nghìn người đã đóng góp vào sự nghiệp phòng chống lao và bệnh phổi của Việt Nam trong hàng chục năm qua.
Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS. TS Nguyễn Việt Nhung nhận định: “Kết quả của công trình này đã góp phần quan trọng để vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam”.
Hơn 100.000 người tham gia nghiên cứu
Phóng viên: Năm mới 2023, một lần nữa xin chúc mừng PGS.TS Nguyễn Viết Nhung và 22 tác giả của Cụm công trình vừa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6 vào cuối tháng 11/2022 vừa qua. Xin ông chia sẻ cảm xúc của mình về Giải thưởng cao quý này?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:
Với tôi, đây không chỉ là một nghiên cứu của 23 tác giả, trong đó có tôi, mà là sản phẩm của cả một chuyên ngành. Chúng ta huy động được các nhà khoa học lớn trong nước và cả trên thế giới ở Úc, Mỹ, Hà Lan, Anh…
Có thể nói đây là tập hợp sức mạnh hết sức lớn kể cả về mặt trí tuệ, công nghệ. Nghiên cứu này còn đại diện cho cả chuyên ngành phòng chống lao với hơn 19.000 cán bộ từ tuyến trung ương đến địa phương.
Các nghiên cứu đều xuất phát từ cộng đồng, nơi có bệnh nhân, người dân từ nơi đông dân cư đến nơi xa xôi, hẻo lánh. Cả các cấp chính quyền, cán bộ đoàn thể cùng tham gia để có thể đạt được một nghiên cứu lớn như thế này.
Nhờ sức mạnh như vậy thì chúng ta mới có được một cụm công trình hết sức có ý nghĩa, được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, có giá trị khoa học đặc biệt cao. Chúng tôi hết sức vui mừng và tự hào!
PV: Ông có thể đánh giá những giá trị khoa học đặc biệt cao mà Công trình nghiên cứu này đã giành được.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:
Có thể khẳng định đây là công trình nghiên cứu khoa học kỳ công, thời gian kéo dài và có sự tham gia nghiên cứu của rất đông người. Cụm công trình có 3 nhóm mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong 23 nghiên cứu nhỏ.
Theo Chương trình phòng chống lao Quốc gia, mỗi năm, ước tính Việt Nam có khoảng 170.000 người mắc lao. Nếu không chữa lao, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, nếu được điều trị, tiếp cận với phương pháp chữa lao như chương trình hiện nay chỉ có 3% tỷ lệ tử vong (với những trường hợp phát hiện muộn hoặc có bệnh nền).
Năm 2020, nước ta ước tính dưới 10.000 người tử vong do lao nhưng đến năm 2021, ước tính tăng lên gần 11.000 người tử vong do giảm số lượng người được phát hiện.
Trong đó nổi bật nhất là nghiên cứu về bệnh lao, từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu phát triển.
Tại sao chúng tôi chọn đề tài này. Đó là vì nhiều năm qua, Việt Nam vẫn có khát khao chấm dứt bệnh lao.
Hàng ngày, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều người đau khổ vì mắc lao, thậm chí tử vong vì bệnh lao. Bệnh lao đã có trên 140 năm và đã gây ra nhiều chết chóc, đau thương cho con người, trong đó có người dân Việt Nam.
Không như Covid-19, dù ào ạt nhưng chỉ trong vòng 3 năm chúng ta khống chế được, bệnh lao diễn ra dai dằng với những hậu quả tàn khốc không kém bất cứ bệnh hiểm nghèo nào. Cho dù chúng ta tìm được nguyên nhân, có vaccine, có cách điều trị khỏi hẳn nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được.
Sự đau đáu ấy, mong muốn ấy đã trở thành khát vọng làm thế nào chấm dứt bệnh lao của những người làm công tác phòng chống lao và có lẽ cả Việt Nam, cả thế giới. Cho nên những người làm công tác phòng chống lao chúng tôi thường xuyên suy nghĩ làm thế nào để phát hiện nhanh, tiêu diệt gọn bệnh lao, tránh lây lan ra cộng đồng, hạn chế lao kháng thuốc và chấm dứt tử vong vì bệnh lao.
Để làm được điều này, chúng tôi cho rằng có 4 điểm cần phải đổi mới (đổi mới về tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư) và Công trình nghiên cứu này chính là nhằm vào sự đổi mới về công nghệ và tiếp cận để phát hiện người mắc bệnh lao trong cộng đồng nhanh hơn, đưa ra hướng điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều trị.
“Đánh mẻ lưới thật lớn” để “vét sạch” bệnh lao ra khỏi cộng đồng
Việc “vét nguồn lây” bệnh lao ra khỏi cộng đồng nếu thực hiện theo phương cách cũ là đợi người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đi chẩn đoán thì sẽ phát hiện muộn, làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn ra cộng đồng còn đưa tất cả người dân đi khám sàng lọc lao thì rất tốt kém.
Với ý tưởng ban đầu là “đánh một mẻ lưới thật lớn” nhằm “vét tất cả các nguồn lây” trong cộng đồng, chúng tôi chọn tỉnh Cả Mau là nơi tương đối biệt lập để nghiên cứu) đã thiết kế nghiên cứu ACT3 (nghĩa là phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng) trong 4 năm.
PV: Những nghiên cứu này có ý nghĩa thế nào với sự nghiệp “chấm dứt bệnh lao” mà chúng ta đang hướng đến?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:
Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu ra cách X quang phổi giá rẻ, có thể chụp X quang cho nhiều người với thời gian ngắn. Sau khi chụp phổi nếu phát hiện hình ảnh phổi có nghi ngờ mắc lao thì mới đưa người dân đi xét nghiệm Xpert để khẳng định.
Tỷ lệ tử vong năm 2020 đã giảm 34% so với năm 2015, cao hơn mức giảm tử vong do lao trung bình trên toàn cầu trong giai đoạn này là 14%. Dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm được 8.781 tỷ đồng, tương đương với ngăn ngừa 284.000 người mắc lao mới nếu không có các biện pháp phòng, chống bệnh.
Qua nghiên cứu về dịch tễ điều tra, tỷ lệ dương tính trong số những người có vi khuẩn lao hơn 90% (nghĩa là độ nhạy của phương pháp trên 90%).
Như vậy, với “chiến lược 2X” (X quang và Xpert), việc phát hiện chủ động bệnh lao vừa nhanh vừa rẻ lại có thể sàng lọc bệnh lao trên diện rộng. Từ khi áp dụng chiến lược 2X vào phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng cao gấp 7 lần so với phát hiện theo cách cũ.
Chiến lược sàng lọc 2X được triển khai trong thời gian ngắn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng đã chẩn đoán và điều trị thêm cho 2.854 bệnh nhân lao trong cộng đồng, ước tính tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện là 1.248/100.000 dân, cao hơn nhiều so với tỷ lệ hiện mắc toàn quốc là 322/100.000 dân.
Việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu.
Kết quả của cụm Công trình có tính lan tỏa rộng lớn, truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao thế giới. Phát hiện “chiến lược 2X” trong khám sàng lọc bệnh lao của Việt Nam mang tính đột phá đẩy nhanh hiệu quả phát hiện ca bệnh mới, điều trị nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, công trình này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng, chống lao trên thế giới. Việt Nam đang được đánh giá là mô hình mẫu, đi đầu. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, nước ta được đánh giá rất cao về sự hồi phục. Có thể nói, kết quả của công trình này đã góp phần quan trọng vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, được WHO và quốc tế đánh giá cao.
Chúng tôi đã chỉ ra một con đường
PV: Bên cạnh ứng dụng nhằm “vét sạch” bệnh lao khỏi cộng đồng, trong điều trị bệnh lao có đột phá nào không thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:
Công trình này cũng ghi nhận phác đồ điều trị bệnh lao chỉ còn 4 tháng. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Việc rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với phác đồ hiện tại đã làm tăng khả năng tuân thủ điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Việc ứng dụng sáng tạo phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng và phác đồ có thuốc mới Bedaquiline điều trị tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc với hiệu quả điều trị cao và tác dụng phụ thấp, phối hợp với tối ưu hóa các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến đã giúp Việt Nam có kết quả điều trị cao hơn trung bình trên thế giới khoảng 15- 20%.
Cụm nghiên cứu này đã cứu sống hàng ngàn người bệnh lao đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc, trước đây coi như vô phương cứu chữa.
Việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng đã làm giảm bệnh lao nhanh hơn 44% so với can thiệp thường quy.
Và nếu kết hợp tác động của các hoạt động thường quy có thể giảm đến 72% bệnh lao sau 4 năm triển khai nghiên cứu, là bằng chứng về tính khả thi của mục tiêu chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Đây là bằng chứng truyền cảm hứng cho toàn thế giới, tạo niềm tin cho những người mong muốn chấm dứt bệnh lao, cho cộng đồng những người chống lao trên toàn thế giới.
Những con số thuyết phục, những “bằng chứng sống” từ hàng chục nghìn ca bệnh lao được phát hiện nhanh chóng, chính xác, hàng nghìn bệnh nhân lao điều trị khỏi bệnh là sự khẳng định rằng chúng tôi đã đi đúng hướng, rằng việc chấm dứt bệnh lao (dưới 20 ca bệnh/100.000 dân) là hoàn toàn có thể làm được.
Có thể nói rằng, bằng Công trình này, chúng tôi đã chỉ ra một con đường để có thể chấm dứt bệnh lao. Còn chúng ta có đi trên con đường đó hay không, đi nhanh hay đi chậm lại cần sự góp sức của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị…
Tôi tin chắc rằng mục tiêu chấm dứt bệnh lao của Việt Nam sẽ không còn xa!
PGS Nguyễn Viết Nhung tin tưởng rằng mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam có thể sớm trở thành hiện thực. Video: Diệu Linh
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam” của 23 tác giả có 3 nhóm nghiên cứu của
Nhóm 1: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao (07 nghiên cứu) – vấn đề cốt yếu để giải quyết nguồn lây và điều trị triệt để bệnh lao;
Nhóm 2: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán và điều trị một số bệnh hô hấp (12 nghiên cứu) – ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để xây dựng quy trình kỹ thuật ghép phổi, chẩn đoán, điều trị, quản lý cúm A (H5N1), ung thư phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và chít hẹp khí quản/ phế quản;
Nhóm 3: Hoạch định chính sách hiệu quả đồng bộ nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam (04 nghiên cứu) – thực hiện một mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.
Công trình có sự tham gia của 18 chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu, bác sĩ tại Việt Nam và 5 nhà khoa học đến từ các trường ĐH nước ngoài, Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà Lan…