Doanh thu dầu khí Nga giảm gần 40%

Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga giảm gần 40% trong tháng 1, do phương Tây áp giá trần và các lệnh trừng phạt, theo IEA.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm nay cho biết nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga trong tháng 1 là 18,5 tỷ USD, thấp hơn 38% so với 30 tỷ USD mà Moskva nhận được cùng kỳ năm ngoái, một tháng trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết các biện pháp hạn chế của phương Tây nhắm vào xuất khẩu năng lượng Nga đã đạt mục tiêu trong ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu và giảm nguồn thu của Moskva.

“Chúng tôi dự đoán xu hướng sụt giảm doanh thu này sẽ mạnh hơn trong những tháng tới và thậm chí lao dốc trong trung hạn, do ngành dầu khí Nga gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ và đầu tư”, Birol nói.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.

Các biện pháp hạn chế mà phương Tây đã áp với Nga, trong đó có quyết định áp trần giá dầu 60 USD mỗi thùng của nhóm G7, đã khiến dầu Ural của Nga được bán với giá thấp hơn dầu Brent.

Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển kể từ tháng 12 năm ngoái và áp biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu công nghệ lọc dầu quan trọng sang Nga. Mỹ và Anh cũng áp hạn chế nhập khẩu dầu Nga.

Moskva phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt. Năm ngoái, nước này thu về hơn 154 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng.

Châu Âu đang chạy đua để loại bỏ khí đốt Nga, sau khi Moskva cắt giảm nguồn cung vì xung đột. Động thái của Nga đã đẩy giá khí đốt châu Âu lên mức cao kỷ lục và khiến nhiều quốc gia phải vất vả tìm nguồn cung thay thế, cũng như áp các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Birol cho biết các nước EU đã đạt tiến bộ trong cải thiện an ninh năng lượng vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông thừa nhận rủi ro vẫn còn, khi nỗ lực đảm bảo nguồn cung của khối có thể bị thách thức bởi nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc hoặc nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn khí đốt tới châu Âu.

Thanh Tâm (Theo Reuters)

Nguồn bài viết