Huyết áp cao có thể dẫn đến bệnh suy thận

Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. Nếu bạn chủ quan, không uống thuốc đều đặn, bạn có thể sẽ mắc bệnh suy thận.

huyết áp cao
Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. (Ảnh: MMD Creative/ Shutterstock)

Trước khi qua đời vài tháng, giọng ca huyền thoại Tina Turner đã trải lòng với khán giả về việc chứng huyết áp cao đã khiến cô bị đột quỵ và mắc bệnh thận như thế nào. Trong một bài báo cho Show Your Kidneys Love (một chiến dịch quốc tế về sức khỏe thận), Tina cho biết: “Tôi nghĩ là tôi chưa bao giờ được nghe về ý nghĩa của huyết áp cao hay việc nó ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào”.

Mặc dù đã được ghép một bên thận (từ chồng) vào năm 2017, Tina vẫn không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần 6 năm sau đó. 

Nếu không được điều trị, huyết áp cao có thể gây ra các tác động theo tầng làm ảnh hưởng đến khắp hệ thống tuần hoàn của cơ thể – bao gồm cả những tác động tai hại đối với thận. Theo Viện Y tế Quốc gia, huyết áp cao có thể làm các mạch máu bị thu hẹp, dẫn đến hiện tượng giảm lưu lượng máu đến các cơ quan (ví dụ như thận). Nếu không nhận được lượng máu thích hợp, thận sẽ không thể thực hiện công việc loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể, và khi chất lỏng đó tích tụ tại, huyết áp của bạn sẽ chỉ càng tăng lên. Đó là một vòng tuần hoàn nguy hiểm có thể dẫn đến bệnh suy thận. 

Tuy nhiên, tin vui là bạn có thể ngăn chặn mối họa này từ sớm.

Huyết áp cao có thể được điều trị bằng thuốc

Theo thống kê, có tới gần một nửa dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ bị huyết áp cao. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ước tính rằng có hơn 122 triệu người ở Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi huyết áp cao – điều này có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ (cũng như bệnh thận) cho họ.

(Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Bạn có thể kiểm soát huyết áp cao bằng cách uống thuốc và thay đổi lối sống (thiết kế chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim và tập thể dục). Nếu đã thay đổi lối sống rồi mà huyết áp vẫn không giảm thì bạn nhất định phải dùng thuốc theo quy định.

Trên thực tế, có rất nhiều người bị huyết áp cao nhưng vẫn chủ quan, không uống thuốc đầy đủ. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp vào năm 1978, Tina coi đó là điều bình thường nên mới không cố gắng để kiểm soát bệnh. 

“Tôi đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi từ chối chấp nhận thực tế rằng tôi phải dùng thuốc hàng ngày trong suốt phần đời còn lại của mình”, cô viết trên Instagram vào ngày 9/3.

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh thận

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, huyết áp cao là nguyên nhân thứ hai gây ra bệnh thận mãn tính và suy thận ở Hoa Kỳ sau bệnh tiểu đường.

(Ảnh: Pixel-Shot/ Shutterstock)

Những người bị huyết áp cao hoặc tiểu đường nên cẩn thận hơn khi đi kiểm tra thận, vì bệnh thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi thận bị tổn thương nặng hơn theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng bất thường như sưng tấy ở tay, chân và mặt.

Dưới đây là một số triệu chứng có thể xuất hiện khi bệnh thận mãn tính trở nặng:

– Mệt mỏi

– Da ngứa hoặc khô

– Đi tiểu ít hoặc nhiều bất thường

– Chán ăn

– Chuột rút cơ bắp

– Đau ngực

– Nhức đầu

– Buồn nôn

– Khó ngủ

– Sụt cân

– Khó tập trung

Bệnh thận trở nặng về lâu dài có thể dẫn đến suy thận. Khi bị suy thận, bạn sẽ phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận như cô Tina. 

Cuối cùng, sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Bất cứ khi nào nhận được chẩn đoán bệnh, bạn đừng chủ quan mà hãy ngay lập tức tuân theo lịch trình chữa trị.



Nguồn bài viết