Hà TĩnhChèo thuyền ra ngoài khơi rải muối, gạo, hương vàng xuống nước, ông Lê Xuân Tiến chắp tay cầu nguyện, mong năm mới đánh bắt được nhiều sản vật.
Chiều mùng 2 Tết Quý Mão, ngư dân Tiến, 60 tuổi, trú thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị cỗ xôi gà, bánh chưng, hương vàng, gạo, muối, trầu cau, những hải sản đánh bắt từ biển như tôm, cá, ghẹ, mực… để đưa ra bờ biển thực hiện lễ mở biển, hay còn gọi là lễ cúng thuyền, cúng bến, sau đó xuất hành lấy may đầu năm.
Mở biển là nghi lễ truyền thống, được người dân xã Cẩm Nhượng và một số vùng lân cận duy trì hàng trăm năm qua. Theo quan niệm, thần canh bến thường bảo vệ an toàn cho tàu thuyền khi neo đậu, vì vậy đây là dịp để ngư dân thể hiện lòng thành kính, cảm ơn thần linh đã che chở cho ngư cụ của mình. Họ cùng cầu mong năm mới ra khơi được thuận lợi, sóng yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Lái xe máy chở nhau ra bến neo đậu ở kè Cửa Nhượng, ông Tiến cùng hai lao động lần lượt bưng cỗ xôi gà, đồ vàng mã đưa lên chiếc thuyền 115CV, tiếp đó nổ máy lái ra xa cách bờ vài trăm mét để thực hiện các nghi thức. Sắp xếp lễ vật đựng trong đĩa lên mảnh chiếu nhỏ, ngư dân 60 tuổi châm lửa đốt ba nén nhang rồi khấn vái bốn phía. Tiếp đó ông cùng mọi người rải muối, gạo, hương vàng xuống nước và khắp sàn thuyền, với hàm ý để thần thuyền, thần bến hưởng lộc.
Được xem là người “may cá” nhất ở xã Cẩm Nhượng, khi nhiều lần trúng 2-2,5 tấn cá vàng dương trong năm 2020-2021, thu hàng tỷ đồng, ông Tiến cho hay hàng chục năm qua không bỏ sót bất cứ một buổi lễ mở biển nào. Gia đình một lòng thành tâm hướng về biển thì may mắn sẽ đến. Những lần trúng đậm cá, ông Tiến luôn nói với vợ con rằng “chắc được thần biển hỗ trợ”.
“Khi làm lễ tâm cần tĩnh lặng, không để mọi suy nghĩ lấn át, ngoài cầu nguyện cho mình, tôi mong anh em bạn tàu đều có sức khỏe, bình an trên mọi chuyến đi. Lúc bắt được nhiều cá vàng dương, tôi đều chia cho làng xóm một ít, với tâm niệm gửi một ít lộc để có lần họ sẽ đạt kết quả như mình”, ông Tiến nói.
Lễ diễn ra trong khoảng nửa tiếng. Sau khi kết thúc, ngư dân sẽ chọn giờ đẹp để xuất hành lấy may, chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Hơn 17h, hàng chục chiếc thuyền công suất hơn 100CV treo cờ Tổ quốc đang đậu trên biển Cẩm Nhượng đồng loạt nổ máy, nối đuôi nhau chạy ra cửa biển, thả lưới xuống nước.
Theo ông Phạm Tiến Phương, trú xã Cẩm Nhượng, năm nay từ mùng 3 Tết trời trở rét nên các thuyền sau khi thả lưới xuống nước trong vài phút để lấy ngày sẽ chạy về neo ở bến, chờ thời tiết đẹp mới vươn khơi. Ngư dân khi khởi hành thường chọn khung giờ “đi hơn về kém”, họ kiêng mùng 1. Năm nay mùng 2, mùng 4 Tết là ngày tốt, nên nhiều chủ tàu đã chọn để làm lễ mở biển.
Cũng có một số gia đình không ngại thời tiết, chọn thời điểm làm lễ mở biển là ngày ra khơi chính thức. Họ lái thuyền đi ra vùng biển cách bến khoảng 2-4 hải lý, đánh bắt các loài hải sản như cá, tôm, ghẹ gần bờ, sau đó trở về trong buổi.
“Ngày ra khơi đầu năm chúng tôi không quá câu nệ sản lượng, bắt được hải sản sẽ đem về để dành làm thực phẩm, chia cho họ hàng, làng xóm để lấy lộc chứ không bán”, ông Phương nói và cho hay nếu thuyền nào trúng mẻ cá lớn vào hôm mở biển thì báo hiệu cả năm sẽ bội thu, làm ăn khấm khá.
Lãnh đạo xã Cẩm Nhượng cho biết, cúng mở biển là một lễ quan trọng của ngư dân trên địa bàn, bên cạnh lễ hội cầu ngư tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Nét đẹp tín ngưỡng này được chính quyền ủng hộ duy trì, hướng tới nâng tầm quy mô.