Luôn được gần nhau nhưng dễ nhàm chán khi lấy đồng nghiệp

Năm 2021, gần như cả công ty là khách mời trong hôn lễ của Hằng Nga và Minh Tuấn. Trước khi kết hôn, cặp đôi cùng sinh năm 1997 cũng là đồng nghiệp, được chính mọi người chung chỗ làm nhiệt tình ghép đôi, “đẩy thuyền”.

Công ty hiện tại cũng là nơi se duyên cho 5-7 cặp đôi khác, đều có kết thúc viên mãn bằng một đám cưới.

Hằng Nga thừa nhận nếu không nhờ môi trường làm việc, cô và bạn đời đã không thể quen biết rồi về chung một nhà.

Giống Nga và Tuấn, không ít cặp vợ chồng đã đi lên từ mối quan hệ đồng nghiệp. Nhiều cặp đôi cho biết phải thống nhất thay đổi một số thói quen, điều chỉnh cách cư xử để phù hợp hơn để tránh đối mặt nhiều tình huống khó nói ở chỗ làm.

Đồng hành

Hồi mới yêu, một trong những điều Nga và Tuấn e ngại là khả năng có thể chia tay, sẽ khó chạm mặt nhau về sau hoặc thậm chí dẫn tới một trong hai nghỉ việc.

“Song tôi nhanh chóng nhận ra chung chỗ làm cũng chính là một lợi thế. Tôi có thể nhìn được rõ nhiều khía cạnh của chồng hơn, từ cách làm việc có cầu tiến không, đối xử với đồng nghiệp ra sao thay vì chỉ những điều anh muốn cho tôi thấy”.

Luôn được gần nhau nhưng dễ nhàm chán khi lấy đồng nghiệp - Ảnh 2.

Hằng Nga và Minh Tuấn thành đôi khi làm chung công ty. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, nữ nhân viên văn phòng có được cảm giác yên tâm khi luôn thấy chồng ở cùng một chỗ.

“Một điểm cộng khác là tôi luôn được chồng thấu hiểu trong công việc. Có vấn đề gì, hai đứa có thể cùng tâm sự, hỗ trợ nhau tìm cách giải quyết”, cô chia sẻ.

Có nửa kia thấu hiểu, thông cảm tính chất công việc cũng là điều Thanh Thủy (Hà Nội, nhân viên ngân hàng) cảm nhận được sau khi cưới Minh Tùng, người chung chỗ làm.

Bên cạnh đó, nhờ làm ở hai mảng bộ phận có tương tác nên hai người có thể học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau khi cần. Chưa kể, đãi ngộ cơ quan khá tốt nên khi chung một nhà, Thủy coi như gia đình được nhân đôi phúc lợi từ bảo hiểm, du lịch, thưởng dịp lễ Tết.

“Thời gian còn hẹn hò, chúng tôi hầu như không tương tác với nhau trước mặt mọi người tại cơ quan vì ngại và sợ chuyện không thành sẽ khó xử. Đến khi chốt cưới, gửi thiệp mừng, mọi người đều bất ngờ”, Thủy chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết (giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids, chuyên gia tại Bác sĩ Tâm lý – trang tư vấn và điều trị tâm lý online), trải nghiệm của Nga và Thủy cho thấy phần nào những lợi ích khi có bạn đời làm việc cùng công ty.

Luôn được gần nhau nhưng dễ nhàm chán khi lấy đồng nghiệp - Ảnh 4.

Các cặp đôi công sở có nhiều thời gian bên nhau, dễ đồng cảm trong công việc hơn. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Theo đó, bà nhận xét các cặp đôi thường sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí di chuyển khi cùng đi làm, tham gia các hoạt động ở cơ quan. Lịch trình sinh hoạt, thời gian làm việc của cả hai cũng tương đồng, dễ sắp xếp.

Bên cạnh đó, hai bên có thể hiểu rõ đối phương hơn, có nhiều câu chuyện chung để nói, chia sẻ, nhất là về vấn đề công việc, đồng thời san sẻ, hỗ trợ nhau khi cần bởi chung lĩnh vực.

Đặc biệt, mỗi người dễ có cảm giác yên tâm khi nửa kia luôn ở trong tầm mắt của mình, biết được thói quen hoạt động và nhiều cơ hội gần gũi hơn.

Khó xử

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Tình Tuyết cũng nhận định các cặp vợ chồng chung công ty cũng đối mặt nhiều vấn đề, có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ.

Đó là khi hai bên nhiều khả năng biết đối phương quá rõ, dễ xuất hiện sự nhàm chán.

“Khi hai vợ chồng biết tỏng mọi thứ về nhau, từ lúc ở nhà đến chỗ làm, thì sự háo hức nhiều khi không còn. Hai người sẽ không có những chuyện mới mẻ ở công ty, vấn đề công việc để kể cho nhau nữa”, bà Tuyết nói. Hơn nữa, các cặp đôi công sở cũng khó làm mới mối quan hệ, làm mới bản thân để giữ lửa tình yêu.

Ngoài ra, khi mới yêu, hai bên luôn muốn ở cạnh nhau nhưng về lâu dài, việc nơi nào cũng có bóng dáng nửa kia có thể có thể tạo cảm giác ngột ngạt, phải luôn để ý đối phương. Đôi lúc trong mối quan hệ với đồng nghiệp có đùa xã giao một chút, cả hai cũng cần cân nhắc, ý tứ để tránh gây hiểu nhầm, từ đó không dám tự nhiên bộc lộ bản thân, trở nên e dè và có thể dồn nén nhiều cảm xúc tiêu cực.

Luôn được gần nhau nhưng dễ nhàm chán khi lấy đồng nghiệp - Ảnh 6.

Thu Trang cảm thấy một số bất tiện khi từng làm chung công ty với chồng. Ảnh: NVCC.

Không chỉ vậy, khi đã công khai mối quan hệ ở công ty, các cặp đôi công sở cũng có khả năng đối mặt chuyện trêu chọc gây hiểu nhầm, làm cho mối quan hệ căng thẳng.

Là cặp đầu tiên được mai mối thành công trong công ty, Thu Trang (sinh năm 1993, Hà Nội) cảm thấy có nhiều lợi ích, điều thú vị sau khi về chung một nhà với anh đồng nghiệp song cũng nhanh chóng nhận ra nhiều vấn đề bất tiện, khó nói.

“Ví dụ, lỡ một người có mắc lỗi trong công việc và bị cấp trên khiển trách thì khá xấu hổ. Đồng nghiệp xung quanh đều biết về mối quan hệ nên không tránh khỏi thường xuyên bị trêu chọc, ai tính hay ngại sẽ không thoải mái lắm”, cô chia sẻ.

Đặc biệt, một điểm khác khá tế nhị là cả hai sẽ nắm rõ thu nhập của đối phương, nhất là với người từng làm vị trí nhân sự như Trang. Điều này có thể giúp hai bên minh bạch tài chính song cũng dễ đem lại cảm giác không thoải mái.

Còn Dương Anh (sinh năm 1992, Bắc Ninh), cô thậm chí từng tranh cãi với nửa kia ngay trước mặt đồng nghiệp. Chung chỗ làm từ năm 2017 đến 2020, chồng cô là quản lý chi nhánh miền Bắc của công ty.

Dương Anh nhận xét chồng nhiều kinh nghiệm, có thể hỗ trợ cô nhiều điều trong công việc. Đôi khi gia đình có chuyện, như con cái ốm, cả hai cũng có thể dễ dàng cùng sắp xếp lịch trình.

“Tuy nhiên, tôi càng phải cẩn thận trong công việc. Khi xảy ra tranh cãi, rất nhiều đồng nghiệp sẽ ‘hóng’ xem chúng tôi hành xử ra sao. Vì vậy cả hai luôn cố hoàn thành tốt công việc, hạn chế để xảy ra sai sót”.

Luôn được gần nhau nhưng dễ nhàm chán khi lấy đồng nghiệp - Ảnh 8.

Cặp đôi công sở dễ trở thành đề tài bàn tán, soi mói của đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Trong khi đó, Thanh Thủy cảm thấy bị hạn chế chủ đề nói chuyện với ông xã do làm cùng ngành, nhiều khi nhàm chán. Cũng do chung công ty, tính chất công việc, nếu vào mùa bận rộn, cả hai sẽ cùng bận, rất bất tiện trong việc chăm sóc con nhỏ. Ngoài ra, khi đã biết rõ thời gian biểu của nhau, thường làm chung, việc tụ tập bạn bè riêng với mỗi người bị hạn chế, khó sắp xếp thời gian dành riêng cho bản thân.

Chung cảm nhận, Hằng Nga tự nhận đã ít dành thời gian hơn cho mối quan hệ với đồng nghiệp sau khi cưới, ví dụ như từ chối các bữa ăn trưa vì thương chồng sẽ phải ăn một mình.

Thích ứng

Xác định những được – mất khi kết hôn với đồng nghiệp, nhiều cặp đôi cố gắng tìm hướng đi chung ổn thỏa nhất để cân bằng hai bên.

Dương Anh hầu như không bao giờ đem chuyện về nhà nói. Nếu cần tranh luận, cô sẽ trao đổi luôn ở chỗ làm để không ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.

Với cô, công tư phân minh là điều cần thiết ở các cặp vợ chồng là đồng nghiệp.

“Ngoài ra, tôi nghĩ khi vợ chồng thật sự hiểu, tin tưởng nhau mới nên làm chung, vì sẽ khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm hay đôi khi đồng nghiệp trêu đùa quá đà. Hơn nữa nếu xác định làm chung, không nên mang chuyện không vui ở nhà lên tâm sự ở công ty”.

Hiện, vợ chồng Dương Anh đều đã nghỉ ở chỗ làm cũ, chồng ra kinh doanh riêng với bạn, cô chuyển về nơi gần nhà hơn để tiện chăm sóc con sau khi sinh.

Thủy và Tùng cũng có đôi lúc cãi vã, đem chuyện công ty về nhà nhưng sẽ cố gắng xử lý mâu thuẫn ngay trong ngày hoặc sáng hôm sau, không để bị dồn nén gây bất mãn, ảnh hưởng khía cạnh khác.

Theo bà Tuyết, dù làm chung hay riêng, các cặp đôi đều nên cho nhau không gian riêng, tôn trọng, không can thiệp quá sâu vào công việc của người kia và tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp hai phía.

Cả hai cũng cần học cách bớt kiểm soát, ghen tuông, có thể thống nhất với nhau về giới hạn trong ứng xử với đồng nghiệp, với nhau để tránh gây cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, hãy tăng cường chia sẻ về mọi thứ, không coi công sở là nơi giải quyết việc nhà và ngược lại.

Đặc biệt, bản thân mỗi người nên phấn đấu tiến bộ, tạo ra giá trị riêng để nửa kia có sự tôn trọng nhất định. Bởi khi đã làm chung, biết năng lực thậm chí thu nhập đối phương, một người dễ có sự đánh giá, có thể dẫn tới căng thẳng.

Nguồn bài viết